Gần đây, các nhà nghiên cứu Đại học Tâm thần Hoàng Gia Anh đưa ra lời khuyên nên hạn chế kê đơn thuốc chống trầm cảm cũng như sử dụng trong thời gian ngắn hơn, bởi mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ liên quan tới sử dụng các loại thuốc này.
Mục lục bài viết
Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu – trầm cảm và tác dụng phụ
Có một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm, trong đó phổ biến nhất là loại: thuốc ức chế hấp thu tái chọn lọc serotonin, thuốc ức chế hấp thu tái chọn lọc serotonin-norepinephrine, thuốc an thần, thuốc chẹn beta.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm phổ biến thường được sử dụng là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin – norepinephrine. Thuốc chống trầm cảm được dùng để điều trị bệnh trầm cảm nặng và cũng thường được kê đơn cho bệnh nhân người mắc chứng lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
SSRI hoạt động bằng cách ngăn chặn các tế bào thần kinh trong não tái hấp thu serotonin. Đây là một hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Các thuốc này bao gồm: citalopram, escitalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline… Những loại thuốc này thường cần 2 – 6 tuần để bắt đầu có hiệu quả, nhưng chúng không có tác dụng với tất cả mọi người.
SNRI hoạt động bằng cách giảm sự tái hấp thu của não đối với các hóa chất serotonin và norepinephrine. Một số SNRI như: duloxetine, venlafaxine… Cũng như các thuốc SSRI, SNRI có thể mất vài tuần để có hiệu lực.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng các loại thuốc này bao gồm:
- Buồn ngủ hoặc mệt mỏi
- Nhìn mờ, chóng mặt
- Khô miệng
- Cảm thấy kích động hoặc bồn chồn; tăng nguy cơ tự tử
- Tăng cân
- Rối loạn cương dương
- Rối loạn dạ dày-ruột: buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.
- Đau đầu, buồn nôn
Các thuốc an thần
Thuốc an thần như: alprazolam, diazepam, lorazepam… có hiệu quả cải thiện các triệu chứng của lo âu, tác dụng nhanh chóng nhưng nếu sử dụng lâu dài chúng sẽ có thể bị giảm tác dụng (nhờn thuốc) hoặc nguy cơ bị nghiện thuốc. Do những rủi ro này, các chuyên gia khuyên rằng các bác sĩ không kê đơn sử dụng liên tục các thuốc an thần trong hơn 1 tháng.
Một số bất lợi người bệnh cần lưu ý khi dùng nhóm thuốc này như:
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Kém tập trung
- Suy giảm nhận thức
- Nghiện thuốc
Các thuốc khác
Thuốc chẹn beta (một loại thuốc phổ biến cho những người bị tăng huyết áp và bệnh tim) cũng được các bác sĩ có thể kê toa để giảm một số triệu chứng thực thể của rối loạn lo âu như tim đập nhanh, hồi hộp, tăng huyết áp. Các thuốc chẹn beta bao gồm atenolol, propranolol… Tác dụng phụ có thể gặp của loại thuốc này bao gồm: tay chân lạnh, phiền muộn, mệt mỏi, hạ huyết áp, tăng cân… Không dùng các thuốc này cho người mắc bệnh hen suyễn. Những người mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng và thảo luận với bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra.
Thận trọng trong kê đơn thuốc chống trầm cảm!
Tỉ lệ người mắc rối loạn lo âu, trầm cảm ngày càng tăng cao, điều đó cũng dẫn tới việc thuốc chống trầm cảm được kê đơn sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng đem lại hiệu quả như ý trong khi nguy cơ tác dụng phụ của thuốc khá cao, do vậy cần cần trọng trong sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy, mặc dù thuốc chống trầm cảm có vai trò quan trọng ở những bệnh nhân trầm cảm nặng, nhưng ở người bị trầm cảm nhẹ đến trung bình hoặc những người có các triệu chứng chưa đủ điều kiện gọi là trầm cảm, thuốc chống trầm cảm chưa thật sự có hiệu quả. Ở thanh thiếu niên và trẻ em hiệu quả còn kém thuyết phục hơn.
Do vậy, những bệnh nhân mắc trầm cảm nhẹ đến vừa và trẻ em có thể cân nhắc tới các liệu pháp tự nhiên như bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm lo âu, trầm cảm hoặc tâm lý trị liệu. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả thì mới cân nhắc tới sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Lưu ý cho người bệnh
- Thuốc chống trầm cảm có thể cần 1 thời gian dài (2-6 tuần) để phát huy hiệu quả và tác dụng phụ thường nặng hơn trong những tuần đầu tiên sử dụng. Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc mà hãy báo cáo với bác sĩ điều trị những triệu chứng gặp phải để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
- Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng kéo dài ít nhất 6 tháng trở lên và phải giảm liều dần trước khi ngưng hoàn toàn
- Không được sử dụng thuốc an thần kéo dài quá 1 tháng vì nguy cơ gây nghiện thuốc. Trong đơn thuốc điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm thường kê đơn kết hợp thuốc này, do vậy bệnh nhân không tự ý mua đơn thuốc kéo dài để điều trị
- Tình trạng của mỗi người là khác nhau, do vậy bệnh nhân không nên tham khảo đơn thuốc của người khác áp dụng cho bản thân
- Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng bổ sung, tập luyện để nhanh hồi phục
Bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu