Tình trạng mệt mỏi kéo dài của cơ thể không những làm sức khỏe suy giảm mà còn gây nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy thế nào là chứng mệt mỏi kéo dài? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về hội chứng này và đưa ra các biện pháp hữu hiệu khắc phục giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nhé.
Mục lục bài viết
Mệt mỏi kéo dài là gì?
Thông thường mệt mỏi thường xuất hiện sau khi lao động với cường độ cao, áp lực, stress…và sẽ dễ khắc phục bằng cách nghỉ ngơi, lao động hợp lý. Tuy nhiên nhiều khi mệt mỏi lại là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm nào đó. Khi đó sẽ là dạng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân còn gọi là mệt mỏi vô cớ. Mệt mỏi kéo dài thường diễn ra lâu hơn, khiến cơ thể luôn trong trạng thái lơ lửng, mơ hồ, mất tập trung, đau đầu, kiệt sức, thiếu năng lượng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc, tâm lý, tình cảm, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Nguyên nhân gây nên chứng mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi thông thường có thể do làm việc quá nhiều hoặc do phiền muộn, tuy nhiên nguyên nhân gây mệt mỏi kéo dài có thể do thói quen sinh hoạt hàng ngày không tốt như sử dụng bia rượu, chất kích thích, ma túy, hoạt động thể chất quá đà, sinh hoạt lệch múi giờ, thiếu ngủ, chế độ ăn uống không đảm bảo, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh trong thời gian dài…
Ngoài ra mệt mỏi kéo dài còn là biểu hiện của các căn bệnh nguy hiểm như suy gan cấp, thiếu máu, ung thư, tiểu đường, suy tuyến giáp, viêm ruột, nhiễm trùng mãn tính, trầm cảm, bệnh thận mãn tính…
Các triệu chứng khi cơ thể mệt mỏi kéo dài
Khi mắc chứng mệt mỏi kéo dài cơ thể thường có các triệu chứng như:
- Đột nhiên mệt mỏi triền miên, dai dẳng không rõ nguyên nhân
- Mặc dù đã nghỉ ngơi nhưng vẫn không hết mệt
- Gặp khó khăn khi tập trung, ghi nhớ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc
- Đau các hạch bạch huyết ở cổ hoặc ở dưới cánh tay
- Đau đầu dữ dội
- Sau một giấc ngủ dài tỉnh dậy cũng không thấy cơ thể tỉnh táo hơn
- Các cơ bị đau nhức mặc dù không xuất hiện tấy đỏ hoặc sưng
Chẩn đoán mệt mỏi kéo dài
Để chẩn đoán, đánh giá mệt mỏi kéo dài xuất phát từ nguyên nhân nào và tìm cách điều trị phù hợp các bác sĩ cần tìm hiểu tiền sử của bệnh bằng một loạt các câu hỏi như:
- Mức độ mệt mỏi có giữ nguyên hay thay đổi lúc tăng lúc giảm trong ngày?
- Trạng thái cảm xúc của người bệnh như thế nào? Có gặp phải vấn đề gì trong cuộc sống thường ngày không?
- Mệt mỏi có xảy ra theo chu kỳ không?
- Thời gian giấc ngủ là bao lâu? có bị tỉnh giấc giữa chừng hay không? sau khi thức dậy có tỉnh táo hay mơ màng?
- Chế độ ăn uống như thế nào? lượng đường, cà phê hoặc nhóm thức ăn nào quá nhiều không?
- Có thường xuyên tập thể dục không? tập những bài tập gì?
- Mệt mỏi có đi kèm các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, đau tức ngực… hay không?
Từ các thông tin trên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện bao gồm thể chất, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, đường huyết, tuyến giáp… để đi đến kết luận. Nếu các cơ quan trong cơ thể không có gì bất thường, lối sống lành mạnh thì tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể do cơ thể bị suy nhược.
Điều trị mệt mỏi kéo dài thế nào cho hiệu quả
Tùy vào từng nguyên nhân gây nên mệt mỏi kéo dài mà có các các phương pháp điều trị khác nhau, các phương pháp chính bao gồm:
Sử dụng thuốc nếu mệt mỏi do bệnh lý gây ra
Nếu nguyên nhân gây nên mệt mỏi kéo dài xuất phát từ các bệnh lý thì cần điều trị triệt để các bệnh lý trước khi đó sẽ giảm tình trạng mệt mỏi. Chẳng hạn bổ sung sắt nếu cơ thể bị thiếu máu, sử dụng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu nếu cơ thể mắc tiểu đường, béo phì. Sử dụng kháng sinh nếu cơ thể bị nhiễm trùng, sử dụng thuốc điều chỉnh chức năng tuyến giáp nếu bị rối loạn tuyến giáp…
Nếu là mệt mỏi mạn tính thì có thể đấy là khởi đầu của bệnh trầm cảm vì thế có thể cần sử dụng thuốc chống trầm cảm để điều trị.
Sử dụng các phương pháp trị liệu điều trị mệt mỏi kéo dài
Nếu cơ thể mệt mỏi kéo dài xuất phát từ nguyên nhân tâm lý thì bạn nên gặp các chuyên gia tâm lý để có lời khuyên và phương pháp đào tạo nhận thức cũng như các bài tập trị liệu phù hợp để thoát khỏi tình trạng này giúp cơ thể khỏe mạnh
Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện
Một lối sống tích cực, chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy… Thường xuyên tập luyện thể dục, ngủ đúng giờ sẽ mang lại một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái giúp đẩy lùi chứng mệt mỏi kéo dài.
Phương pháp ngăn ngừa mệt mỏi kéo dài cho cơ thể
- Để ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể sử dụng một số các phương pháp sau:
- Thư giãn cơ thể tránh căng thẳng, stress gây mệt mỏi
- Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp với thể trạng
- Nếu đang sử dụng thuốc thì cần hỏi bác sĩ xem thuốc có gây mệt mỏi hay không, nếu có thể thì đổi loại thuốc phù hợp
- Cải thiện chế độ ăn uống bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng giữa các nhóm chất, ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
- Không sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,…
- Hạn chế uống các loại đồ uống như trà, cà phê đặc biệt là sau 6 giờ tối
- Ngủ đủ giấc và nên tạo một thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ
- Với những người mắc các bệnh lý như tiểu đường, rối loạn lo âu,… thì có thể gặp các chuyên gia y tế để có những lời khuyên hữu ích nhằm giảm các triệu chứng của bệnh
Mệt mỏi kéo dài gây nhiều phiền phức, làm giảm chất lượng cuộc sống mà chỉ những người mắc bệnh mới hiểu hết được. Vậy nên những ai đang có dấu hiệu của chứng mệt mỏi kéo dài này thì cần thăm khám sức khỏe tổng quát tìm ra nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời khôi phục thể trạng.
Theo benhlytramcam.vn
Tư vấn trực tuyến