Khi nhắc tới tự kỷ chúng ta thường hình dung tới những người có hành vi kỳ lạ, cô lập, không thích tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, tự kỷ có rất nhiều dạng khác nhau, triệu chứng phong phú, mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau nên hội chứng này chính xác được gọi là rối loạn phổ tự kỷ.
Dưới đây là 5 rối loạn phổ tự kỷ điển hình:
Mục lục bài viết
1. Rối loạn tự kỷ
Rối loạn tự kỷ là thoái hóa hoặc suy yếu khả năng ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp xã hội, hành vi, cảm giác, gặp khó khăn trong học tập và sinh sống. Rối loạn tự kỷ thường được phát hiện ngay từ khi còn bé (18-36 tháng) nên còn có tên gọi khác là tự kỷ từ bé, hoặc tự kỷ cổ điển.
>> Hiểu hơn với bài viết: Bệnh tự kỷ ở trẻ
2. Rối loạn Asperger
Rối loạn Aspenger còn được biết đến là rối loạn tự kỷ chức năng cao, hay “tự kỷ thông minh”. Người bị hội chứng Asperger phát triển trí tuệ và ngôn ngữ bình thường nhưng lại có khả năng giao tiếp kém. Họ thường thích giao tiếp một chiều, thiếu tiếp xúc xã hội, thiếu sự thấu hiểu và khả năng làm việc nhóm, đặc biệt tập trung tới vấn đề yêu thích. Vụng về và cử chỉ chậm chạp cũng là những biểu hiện của hội chứng này.
Những trẻ mắc hội chứng Aspenger thường hay bị trêu chọc, cô lập do khả năng giao tiếp kém, khác biệt so với người khác nhưng lại có thể có chỉ số thông minh cao và đặc biệt xuất sắc trong một số lĩnh vực nào đó. Một số thiên tài trong lịch sử được biết đến mắc hội chứng Aspenger như Albert Einstein và Isaac Newton.
3. Rối loạn Rett
Đây là hội chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, thường xảy ra ở các bé gái. Trẻ bị rối loạn Rett có não nhỏ, khó đi lại, cơ thể phát triển không đồng đều, tay trẹo, khó thở, thường bị động kinh và mất các khả năng cả tốt lẫn xấu. Nhiều trẻ bị bệnh Rett nặng cũng bị liệt, phải sử dụng xe lăn và cần chăm sóc suốt 24 giờ.
Trước đây, hội chứng Rett được cho là một phần của rối loạn phổ tự kỷ, tuy nhiên, theo quan điểm mới, nó không còn được xếp vào phổ tự kỷ nữa mà được xác định là một rối loạn do di truyền, liên quan tới gen MECP2.
4. Rối loạn Heller (Rối loạn tự kỷ thoái hóa)
Rối loạn tự kỷ thoái hóa lần đầu tiên được nghiên cứu bởi tiến sĩ Theodor Heller. Ông ghi nhận rằng vào thời gian chập chững bước đi cho đến khi được 6 tuổi, trẻ bắt đầu đi vào giai đoạn thoái hóa có tính tự kỷ, nghĩa là trẻ mất dần những khả năng về trí tuệ, ngôn ngữ và những mặt phát triển bình thường khác mà trẻ đã có được trước đây. Rồi ngày mỗi ngày, những khả năng kể trên mỗi mất dạng, và trẻ bắt đầu có những biểu hiện của tự kỷ. Heller gọi sự tổng hợp của những biến dạng đó là sự rối loạn thoái hóa. Rối loạn thoái hóa thường hiếm gặp. Trong 100.000 trẻ, chỉ có 1 trẻ bị tự kỷ ở dạng này.
5. Rối loạn phát triển bao quát – không phân định rõ (PDD-NOS)
Trong các dạng tự kỷ, PDD-NOS là chứng tự kỷ nhẹ. Dạng này không được phân loại rõ ràng. Trẻ được liệt vào dạng PDD-NOS vì chưa đến mức độ tự kỷ. Rối loạn phát triển bao quát cũng có tên gọi khác như rối loạn phát triển không điển hình, tính cách không điển hình, tự kỷ không điển hình, tự kỷ hoạt cao…
>> Xem thêm: Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ mắc bệnh
Bố mẹ cần nhờ bác sĩ tư vấn về các thuật ngữ y khoa và ý nghĩa chính xác của các dạng tự kỷ ở trẻ. Hiệu quả điều trị ở mỗi dạng phụ thuộc vào vấn đề này rất nhiều.
Tư vấn trực tuyến