Vi khuẩn đường ruột: Mối liên hệ bất ngờ với trẻ tự kỷ

    Khi nghĩ đến nguyên nhân gây ra những hành vi bất thường ở trẻ tự kỷ, hầu hết chúng ta thường nghĩ đến yếu tố di truyền hoặc phát triển thần kinh. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, một yếu tố tiềm ẩn khác đang được giới khoa học chú ý: hệ vi sinh vật đường ruột. Bạn không đọc nhầm đâu – chính những vi khuẩn sống trong bụng con người có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và cả sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ mối liên hệ thú vị này.

    Vi khuẩn đường ruột: Mối liên hệ bất ngờ với trẻ tự kỷ 1

    Hệ vi sinh vật đường ruột – người bạn đồng hành thầm lặng

    Trong ruột của mỗi người chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus, nấm và vi sinh vật khác. Chúng không hề gây hại – ngược lại, phần lớn chúng sống “hòa bình” và giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Hệ vi sinh vật này giúp tiêu hóa thức ăn, bảo vệ niêm mạc ruột, kích thích hệ miễn dịch và đặc biệt là… ảnh hưởng đến não bộ.

    Ruột và não kết nối chặt chẽ qua một hệ thống gọi là trục não–ruột–vi sinh vật (gut–brain–microbiota axis). Thông qua dây thần kinh phế vị, các chất dẫn truyền thần kinh, hormone và thậm chí là những sản phẩm chuyển hóa từ vi khuẩn có thể gửi “tín hiệu” lên não – ảnh hưởng đến tâm trạng, nhận thức và hành vi.

    Bạn có thể hiểu rằng, não và ruột không hoạt động độc lập, mà chúng có thể tác động qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn, khi bạn bị căng thẳng, lo lắng, bạn có thể có cảm giác bồn chồn ở bụng, thậm chí là có cảm giác buồn nôn, muốn đi vệ sinh. Ngược lại, nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa, bạn rất dễ căng thẳng và cáu gắt.

    Trẻ tự kỷ và những “khác biệt” trong ruột

    Nhiều nghiên cứu gần đây phát hiện rằng trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ có hệ vi sinh vật đường ruột khác biệt so với trẻ phát triển bình thường. Những điểm khác biệt đó bao gồm:

    • Giảm đa dạng vi khuẩn có lợi: Ví dụ như Bifidobacterium hay Prevotella, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa viêm và trao đổi chất.

    • Tăng một số loại vi khuẩn có hại: Như Clostridium, một loại vi khuẩn có thể sản sinh độc tố làm rối loạn tín hiệu thần kinh.

    • Tỉ lệ axit béo chuỗi ngắn thay đổi: Đây là sản phẩm của quá trình lên men chất xơ, có vai trò bảo vệ não và ruột. Trẻ tự kỷ thường có mức thấp hơn so với bình thường.

    Những sự thay đổi này có thể không chỉ liên quan đến các triệu chứng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến hành vi như tăng kích thích, khó tập trung, giảm tương tác xã hội.

    Trẻ tự kỷ và những

    Hành vi của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi… vi khuẩn?

    Nghe qua thì có vẻ khó tin, nhưng có cơ sở khoa học cho điều đó. Một số vi khuẩn đường ruột có thể tạo ra hoặc kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như:

    • Serotonin – chất điều hòa tâm trạng, ngủ và cảm xúc.

    • GABA – chất giúp làm dịu thần kinh, chống lo âu.

    • Dopamine – liên quan đến động lực và sự tập trung.

    Ở trẻ tự kỷ, sự mất cân bằng vi sinh có thể làm giảm những chất này, dẫn đến các biểu hiện như mất ngủ, hành vi lặp đi lặp lại, hoặc bùng phát cảm xúc.

    Nghiên cứu trên chuột cho thấy khi cấy vi sinh vật từ trẻ tự kỷ vào chuột, chúng bắt đầu có những hành vi giống tự kỷ như giảm giao tiếp xã hội, lặp đi lặp lại hành vi. Điều này củng cố thêm giả thuyết rằng hệ vi sinh vật có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thần kinh.

    Có thể cải thiện hành vi bằng cách “chăm sóc” hệ vi sinh vật?

    Cho tới hiện nay, chúng ta đã làm được rất nhiều điều để hỗ trợ cho trẻ tự kỉ như các liệu pháp tâm lý, giáo dục đặc biệt, dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng khiến các nhà chuyên môn trăn trở, và vẫn còn nhiều khó khăn đối với trẻ cũng như gia đình trong con đường giúp trẻ hòa nhập. Những phát hiện về hệ khuẩn chí đường ruột đã mở ra một hướng đi mới, tác động vào hệ vi sinh đường ruột để hỗ trợ cho quá trình can thiệp đối với trẻ tự kỉ.

    Điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung prebiotic, probiotics… là những phương pháp dễ tiếp cận mà cha mẹ có thể hỗ trợ cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy, bổ sung men vi sinh với chủng loại và liều lượng thích hợp có thể cải thiện tích cực về các triệu chứng tiêu hóa và hành vi của trẻ tự kỉ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, không phải chủng lợi khuẩn nào cũng có tác dụng giống nhau và mang lại hiệu quả tốt.

    Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra các chủng lợi khuẩn đặc biệt, có tác dụng mạnh lên trên hoạt động của trục não ruột, gọi là “psychobiotic”. Đây là lựa chọn phù hợp hơn so với các sản phẩm “probiotics” – men vi sinh nói chung nhờ tác dụng nổi trội trên hệ trục não ruột.

    Trẻ nên được ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt vì chúng giàu chất xơ, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi. Hạn chế thực phẩm siêu chế biến, đường tinh luyện, phụ gia.

    Tự kỷ là một rối loạn tâm – thần kinh phức tạp cần được can thiệp đa chiều, từ nhiều góc độ khác nhau. Sự phát hiện mới về vai trò hệ vi sinh đường ruột trong ASD đã mở ra một cách tiếp cận mới, bổ sung thêm cùng các phương pháp hỗ trợ để mang lại sự tiến bộ tốt nhất cho trẻ mắc rối loạn này.

    Chuyên gia tư vấn - 29 Tháng Tư, 2025
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!