Vụ việc một nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử tháng 4 vừa qua, một lần nữa gửi tới xã hội một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới sức khỏe tâm thần ở giới trẻ.
Mục lục bài viết
Trầm cảm không chừa một ai
Liên tiếp những vụ tự tử xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên trong thời gian gần đây cho thấy mức độ phổ biến và nguy hiểm của căn bệnh trầm cảm trong giới trẻ. Có tới 121 triệu kết quả tương ứng với từ khóa “người trẻ tự tử” khi được tìm kiếm trên google.
Ước tính có từ 1-3% trẻ em và thanh thiếu niên có thể mắc phải trầm cảm, bất kể mọi giới tính, sắc tộc, độ tuổi và hoàn cảnh gia đình. Trong đó, trầm cảm phổ biến hơn ở các em gái vị thành niên. Trong một khảo sát được thực hiện bởi Viện sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ trên các trẻ em từ 11-17 tuổi, vô cùng bất ngờ khi 78% số trẻ tham gia khảo sát cho kết quả tương ứng với trầm cảm mức độ vừa đến nặng theo test sàng lọc. Tuy nhiên, có một nghịch lý là 2/3 các trường hợp trầm cảm không hề được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân bởi người bệnh có xu hướng che dấu, tâm lý xấu hổ về tình trạng của mình. Bên cạnh đó, sự hiểu biết hạn chế và những quan niệm sai về trầm cảm của xã hội cũng khiến cho việc phát hiện và giúp đỡ những người trầm cảm trở nên khó khăn.
Khi người trẻ cô đơn
“Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi” – những dòng chữ trong bức thư tuyệt mệnh của nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến có thể làm nhói lòng bất cứ ai trong số chúng ta khi đọc được. Áp lực học tập và việc làm được cho là những nguyên nhân gây trầm cảm hàng đầu ở học sinh, sinh viên. Trong xã hội Đông Á, khi mà kết quả học tập của con cái là niềm tự hào to lớn và thước đo giá trị của các bậc phụ huynh thì áp lực học tập lên các con là rất lớn. Trẻ bị ép buộc phải học để đạt điểm số cao, để có được các công việc mà xã hội trọng vọng chứ không phải là làm những điều mình yêu thích. Điều này khiến trẻ cảm thấy không hạnh phúc, áp lực và cô đơn.
Sự phát triển ngày một rộng rãi của mạng xã hội cũng có ảnh hưởng không nhỏ khi khiến trẻ bị cuốn vào cuộc sống ảo và dễ trở thành mục tiêu công kích của một nhóm người trên internet. Bắt nạt học đường, bị bạo hành gia đình, cha mẹ li hôn…cũng là những nguyên nhân gây chấn thương tâm lý cho trẻ, dễ dẫn tới trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
Hậu quả có thể dẫn tới kết quả học tập sa sút, trẻ sa vào các tệ nạn như nghiện rượu, game, các chất kích thích, hành vi tình dục không an toàn và thậm chí là tự sát.
“Tôi thấy mình không yêu được ai, và không mang lại giá trị gì cho xã hội, nên tôi nghĩ sự ra đi của mình sẽ rất nhẹ nhàng, sẽ chẳng ai đau khổ, vì dẫu sao sợi dây kết dính với cuộc đời gần như không có. Sự trống rỗng giày vò tôi mỗi đêm, tôi muốn kết thúc sớm mọi chuyện”, một bạn trẻ tại TP.HCM đã từng tự tử bằng thuốc ngủ nhưng được cứu sống chia sẻ.
Tỉ lệ tự tử ở giới trẻ Việt có xu hướng gia tăng Đầu năm 2018, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp Bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em – thanh thiếu niên Việt Nam. Theo đó, có đến 8-29% đối tượng được nghiên cứu (11 đến 24 tuổi) gặp vấn đề sức khỏe tâm thần chung (tùy theo tỉnh thành, giới…), và hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở các em thường ở hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn…) hoặc hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý…). Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3% và có xu hướng gia tăng. |
Cần sự chung tay của cộng đồng để ngăn chặn trầm cảm
Trầm cảm được ví như là một con quái vật có sức tàn phá khủng khiếp, nó hủy hoại sức khỏe, gặm nhấm tương lai của những người mắc phải. Do vậy mà chúng ta cần quan tâm và ngăn chặn trầm cảm, đặc biệt là ở những người trẻ – chủ nhân tương lai của xã hội. Trong đó, việc đầu tiên cần làm chính là nâng cao hiểu biết của xã hội về căn bệnh trầm cảm.
Phụ huynh và giáo viên có thể giúp xây dựng các kỹ năng sống của trẻ em và thanh thiếu niên để giúp các em có đủ khả năng để đối phó vơi các thử thách trong cuộc sống. Các bậc phụ huynh, giáo viên cũng cần tìm hiểu về biểu hiện triệu chứng của bệnh, các kỹ năng lắng nghe và trò chuyện đê sớm phát hiện ra tình trạng bất thường ở con em nhằm có sự trợ giúp đúng cách, đúng thời điểm.
Xem thêm: Nhận diện chứng trầm cảm ở học sinh, sinh viên.
Tư vấn trực tuyến