Nhận diện chứng trầm cảm ở học sinh, sinh viên

    Hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin, áp lực học tập lớn khiến cho tình trạng trầm cảm ở học sinh, sinh viên ngày càng gia tăng. Sự thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm tới tình trạng sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học trò có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

    Hình ảnh có liên quan

    Trầm cảm ở học sinh sinh viên

    Nhiều người cho rằng, trẻ con thì không có vấn đề gì phải lo lắng, căng thẳng. Nhưng chắc hẳn bạn sẽ rất sốc nếu như biết được những thông tin khảo sát từ Hiệp hội Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (Mental Health America):

    • Tại Mỹ, có 3.1 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 đang phải tìm cách đối phó với căn bệnh trầm cảm mức độ nặng.
    • 78% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11-17 thực hiện bài kiểm tra sàng lọc cho kết quả dương tính với trầm cảm ở mức độ vừa và nặng.

    Trầm cảm ở học sinh sinh viên 1

    >> Bạn có thể kiểm tra sàng lọc trầm cảm qua: bài tự test trầm cảm

    Bị bắt nạt, áp lực học tập, nhận thức về bản thân, thay đổi ở tuổi dậy thì…là những lý do có thể khiến cho học sinh mắc phải trầm cảm. Hậu quả của trầm cảm có thể dẫn tới học lực của trẻ sa sút, mất tự tin vào bản thân, mất đi định hướng phát triển đúng đắn, dễ sa vào các tệ nạn xã hội (nghiện rượu, ma túy), thậm chí dẫn tới hành vi tự sát hoặc tổn hại người xung quanh.

    Những biểu hiện của trầm cảm ở học sinh, sinh viên

    Những biểu hiện của trầm cảm ở lứa tuổi học đường rất đa dạng và phong phú, phổ biến nhất là:

    • Những triệu chứng về mặt cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi…, vì vậy trẻ thường được cha mẹ đưa đi khám ở bác sĩ tiêu hóa (do đau bụng), thần kinh ( vì bị đau đầu), tim mạch (đánh trống ngực)…Nguyên nhân của những triệu chứng đau cơ thể đó thực ra lại xuất phát từ não bộ, chính vì vậy mà tất cả các khám xét đều không chỉ ra một bệnh cụ thể nào, hoặc điều trị với thuốc chuyên khoa đặc hiệu mà không thấy triệu chứng thuyên giảm. Cũng chính vì đi khám và điều trị nhiều nơi không phải chuyên khoa tâm thần nên bệnh nhân thường đến khám bác sĩ tâm thần ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã ở mức độ nặng, vì vậy việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn.

    Những biểu hiện của trầm cảm ở học sinh, sinh viên 1

    Trầm cảm thường bị nhầm lẫn với các bệnh thực thể khác

    • Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó: như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi… Kể cả khi cố gắng trẻ cũng không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể, không thể tập trung nghe giảng, đọc sách và không thể ghi nhớ mình đã nghe gì, đọc gì. Vì vậy mà kết quả học tập giảm sút rõ rệt, có những em thi trượt tất cả các môn mặc dù học kỳ trước còn là học sinh giỏi.
    • Nhận thức tiêu cực về bản thân: khi bị trầm cảm, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện ý nghĩ cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập. Nhiều gia đình than phiền rằng con của họ chán nản, muốn bỏ học không lý do, mặc dù trước đó bệnh nhân là một sinh viên rất chăm chỉ, học giỏi.
    • Mất ngủ hoặc ngủ triền miên: bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), giữa giấc (đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại) và cuối giấc (thức giấc sớm, không ngủ lại được). Nếu bệnh nhân thức giấc sớm hơn thường lệ trên hai giờ thì coi là mất ngủ. Chẳng hạn bình thường bệnh nhân thức dậy lúc 5 giờ sáng, bây giờ bệnh nhân thức giấc lúc 2 giờ sáng mà không sao ngủ lại được. Nếu nặng sẽ gây ra mất ngủ toàn bộ. Các trường hợp khác lại có thể ngủ nhiều trên mức bình thường.
    • Mệt mỏi, mất năng lượng: tình trạng mệt mỏi xuất hiện đặc biệt là về buổi sáng, kể cả khi được nghỉ ngơi. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng học tập và làm việc ở người mắc trầm cảm.
    • Thay đổi trong ăn uống: chán ăn, hoặc thèm ăn vô độ dẫn tới gầy sút hoặc tăng cân nhanh chóng.
    • Giảm ham thích trong công việc hoặc giải trí: các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn trước đây trẻ thích được xem phim, đọc truyện thì giờ chẳng quan tâm đến nữa.
    • Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu
    • Cảm giác bứt rứt, lo lắng vô cớ.
    • Ý định hoặc hành vi tự sát: là triệu chứng nghiêm trọng của trầm cảm. Khi nhìn mọi sự việc qua một lăng kính đen tối của trầm cảm, người bị trầm cảm thấy mình trở nên vô dụng và đau khổ cùng cực, muốn giải thoát bản thân. Do vậy nhiều học sinh, sinh viên có kế hoạch tự tử rõ ràng như tìm cách uống quá liều thuốc, uống thuốc độc, nhảy lầu, cắt mạch máu…Chúng ta không được coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử. Khi có ý định hoặc hành vi tự sát, bệnh nhân cần phải được cách ly và điều trị nội trú tại khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

    Như vậy, trẻ em trong độ tuổi đi học hoàn toàn có thể bị mắc phải trầm cảm. Do vậy, để phòng tránh các rủi ro và để trẻ được định hướng phát triển đúng đắn các bậc phụ huynh cần quan tâm tới các biểu hiện hằng ngày của con em mình. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu như than phiền các triệu chứng cơ thể (đau đầu, đau bụng…) mà không tìm thấy nguyên nhân cụ thể, mệt mỏi, học hành sút kém rõ rệt, không muốn đi học hoặc tham gia các hoạt động tập thể…khi đó nên đưa con đi khám tại bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để phát hiện sớm và điều trị rầm cảm.

    Mọi vấn đề thắc mắc liên quan tới sức khỏe tâm thần các phụ huynh có thể gọi tới số máy 0981 966 152 để được trợ giúp kịp thời.

    Benhlytramcam.vn - 9 Tháng Chín, 2019
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!