Quan tâm trục não ruột – để không “buồn não ruột”

    Đường ruột khỏe mạnh hay ốm yếu có thể ảnh hưởng tới toàn bộ phần còn lại của cơ thể. Hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến quá trình  tiêu hóa, hệ miễn dịch và thậm chí cả tâm trạng não nùng của chúng ta. Ruột hoạt động như thế nào và cần làm gì để có đường ruột khỏe mạnh?

    Tạp chí NationalGeographic vừa có bài giải thích cập nhật và dễ hiểu về vấn đề này

    Thế giới vi sinh nhỏ mà có võ

    Ruột của chúng ta có hệ vi sinh vật riêng – là một cộng đồng đông đúc các sinh vật cực nhỏ gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng sống trong đường ruột. Cơ thể chúng ta còn có bốn hệ vi sinh vật chính khác ở hệ hô hấp, da, đường niệu – sinh dục và khoang miệng. Cùng với nhau, hàng nghìn vi sinh vật sống ở trong và trên cơ thể, góp phần tạo nên hệ vi sinh ở con người.

    Hệ vi sinh rất quan trọng với sức khỏe chúng ta nhưng nó chính xác là gì? Jusstin Sonnenburg – giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại trường Đại học y Stanford, gợi ý chúng ta hãy nghĩ về nó như một hệ sinh thái thu nhỏ: “Để hình dung về hệ vi sinh, hãy nghĩ đến một khu rừng nhiệt đới – nhưng ở quy mô cực nhỏ, nơi các loài với nhiều hình dạng và kích cỡ tập hợp lại tại các vị trí cơ thể khác nhau”.

    Tuy nhỏ nhưng vi sinh vật trong cơ thể lại có tầm quan trọng vô cùng lớn. Một số chức năng đã được các nhà khoa học biết đến như là bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh xâm nhập, kích hoạt hệ miễn dịch và tiêu hóa thức ăn. Hầu hết các vi khuẩn đường ruột là có lợi dù cũng có những vi khuẩn có hại khác. Khi hệ vi sinh bị mất cân bằng, vi khuẩn xấu có cơ hội tung hoành, bội nhiễm, nó có thể nhiễm trùng nấm men hoặc các bệnh khác cho cơ thể.

    Thế giới vi sinh nhỏ mà có võ 1

    Trong các hệ vi sinh của cơ thể, hệ vi sinh đường ruột được nghiên cứu nhiều nhất. Từ những gì chúng ta đã biết, có thể kết luận các vi sinh vật ở đường ruột mà vui, khỏe thì chúng ta được vui, khỏe; còn nếu thế giới nhỏ bé này hỗn loạn, sức khỏe của chúng ta cũng lập tức bị ảnh hưởng.

    Hệ vi sinh đường ruột được tạo thành từ tất cả các vi sinh vật sống trong đường ruột và dạ dày của chúng ta. Tuy nhiên, chúng tập trung nhiều nhất ở ruột kết (kết tràng) – phần dài nhất của ruột già (đại tràng). Những sinh vật cực nhỏ này, đặc biệt là vi khuẩn, giúp cơ thể phân hủy carbohydrate (thành phần cơ bản nhất trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng), protein (chất đạm) và đường thành các chất dinh dưỡng hữu ích và xử lý chất xơ trong ruột.

    Bác sĩ Gail Cresci, chuyên gia về hệ vi sinh tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Cleveland giải thích: “Những thứ không được tiêu hóa và hấp thụ sau khi chúng ta ăn vào đều đi xuống ruột, đến ruột già, qua ruột kết – nơi có phần lớn vi khuẩn – và trở thành thức ăn cho các vi sinh vật”.

    Mối quan hệ phức tạp giữa hệ vi sinh đường ruột và sức khỏe là một thực tế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra răng thừa hoặc thiếu một số loại vi khuẩn trong ruột liên quan mật thiết với sự khởi phát của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra ăn nhiều chất xơ giúp làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, làm giảm lượng đường trong máu và giúp chúng ta duy trì cân nặng phù hợp.

    Bác sĩ Cresci cho biết: “Khi hệ vi sinh đường ruột cân bằng, vi khuẩn tạo ra rất nhiều phân tử có lợi và chất chuyển hóa hữu ích trong cơ thể. Chẳng hạn, vitamin K, còn gọi là “vitamin đông máu”, chủ yếu do vi khuẩn đường ruột sản xuất. Acid folic, giúp cơ thể chúng ta tạo ra các tế bào mới như da, tóc và móng tay, cũng được tạo ra bởi hệ vi sinh đường ruột”.

    Tuy nhiên, thế nào là hệ vi sinh đường ruột “cân bằng” thì các chuyên gia còn chưa thống nhất về định nghĩa. Theo giáo sư Purna Kashyap, chuyên gia về y sinh tại Bệnh viện Mayo Clinic, quan điểm chung được thống nhất là đường ruột khỏe thì hệ vi sinh đường ruột có độ đa dạng cao, nhưng không có dấu hiệu nhận biết chung nào về sức khỏe đường ruột. Trạng thái “bình thường” ở người này có thể không đúng với người khác.

    Trục liên hệ não – ruột

    Một khía cạnh phức tạp khác của hệ vi sinh đường ruột là quan hệ của nó với não, được gọi là ” trục não – ruột”. Có rất nhiều nghiên cứu mới đáng chú ý về chủ đề này.

    Ruột cung cấp từ 90-95% serotonin của cơ thể. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như giấc ngủ, tâm trạng và tiêu hóa. Hệ vi sinh đường ruột cũng hỗ trợ sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và hóa chất khác như dopamine và tryptamine là những hormone liên quan đến cảm giác hạnh phúc của con người.

    Giáo sư Sonnenburg ví von: “Ruột là một nhà máy sản xuất thuốc trong cơ thể. Có hàng trăm, có thể là hàng nghìn hợp chất có vai trò như thuốc được sản xuất bởi các vi khuẩn đường ruột và sau đó được hệ tuần hoàn hấp thụ”.

    Trục liên hệ não - ruột 1

    Ruột còn có hệ thần kinh riêng. Có thể chúng ta không thường nghe về hệ thần kinh ruột nhưng nó được gọi là “bộ não thứ hai” của cơ thể. Hàng triệu tế bào thần kinh nằm trong ruột kết hoạt động tương tự như cách bộ não chúng ta hoạt động. Hệ thần kinh ruột có nhiều chất dẫn truyền thần kinh giống như não, những chất này giúp cảm nhận cơn đau và kích hoạt hệ miễn dịch. Nó cũng di chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa.

    Giáo sư Kashyap cho biết quan hệ giữa đường ruột có thể hoạt động hoàn toàn độc lập với bộ não nếu cần thiết”. Ông cho biết quan hệ giữa đường ruột và não tồn tại rõ ràng trước khi các nhà khoa học nghiên cứu về nó. Ví dụ có nhiều người bị tiêu chảy khi lo lắng, căng thẳng hoặc một số người bị táo bón khi chán nản.

    Theo bác sĩ Cresci, giờ đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bệnh thoái hóa thần kinh như tự kỷ, Parkinson và Alzheimer đều có mối liên hệ với chứng rối loạn vi khuẩn hoặc mất cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột. Điều còn vướng mắc là các nhà nghiên cứu chưa biết cách thức hoạt động của trục não – ruột và mối liên hệ giữa não và ruột là nhân quả hay không.

    Chẳng hạn, chúng ta biết những người bị trầm cảm hoặc bị rối loạn cảm xúc thường bị táo bón. “Nhưng có phải mất cân bằng vi khuẩn đường ruột ở người trầm cảm là thủ phạm gây táo bón cho họ hay chính trầm cảm, rối loạn cảm xúc là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột?” – bác sĩ Cresci đặt vấn đề. Theo bà, mối quan hệ này chưa được chứng minh đầy đủ.  Giáo sư Sonnenburg cũng đồng ý răng các nhà khoa học vẫn chỉ mới đứng ở vong ngoài trong hành trình tìm hiểu về quan hệ giữa não và đường ruột.

    Tránh “bệnh từ miệng vào”

    Tránh

    Hệ vi sinh đường ruột có vai trò quan trọng trong đảm bảo sức khỏe thể chất của chúng ta. Vậy làm thế nào để có một hệ vi sinh khỏe hoặc cân bằng lại nó sau khi ăn uống vô tội vạ? Lời ông bà xưa nói rằng “bệnh từ miệng vào” không sai ở khía cạnh những gì chúng ta ăn uống vào đều ảnh hưởng ruột của cơ thể. Chẳng hạn, với thức ăn có nhiều đường và ít chất xơ, cơ thể tiêu hóa nhanh hơn. Do đó, quá trình này không để lại nhiều chất dinh dưỡng cho hệ vi sinh đường ruột tiêu thụ, trong khi đường dư thừa có thể nuôi vi khuẩn gây bệnh. Hoặc một ví dụ khác, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu.

    Theo bác sĩ Cresci, hệ vi sinh đường ruột có khả năng phục hồi và sẽ phục hồi tương đối nhanh. Trong các ví dụ trên, nếu chúng ta ăn uống lành mạnh trở lại hoặc ngừng dùng thuốc, các vi sinh vật đường ruột sẽ khỏe lại. Điều đó cũng có nghĩa một chế độ ăn  uống lành mạnh lâu dài mới thực sự duy trì hoặc cải thiện hệ vi sinh đường ruột lâu dài.

    Các chuyên gia khuyên chúng ta nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, như ngũ cốc, rau và các loại đậu. Bạn cũng nên kết hợp các loại thực phẩm lên men, như kim chi, nấm sữa kefir, dưa cải…vì các thực phẩm này chứa men vi sinh – là các vi sinh vật sống có thể làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh trong ruột. Chúng ta cũng nên kiểm soát lượng đường ăn/uống vào ở mức thấp và kết hợp nó với chất xơ, như ăn trái cây thay vì uống nước ép trái cây.

    Hồng Vân

    Tuổi trẻ cuối tuần số 27-2023, ngày 16-7-2023

    Chuyên gia tư vấn - 25 Tháng Bảy, 2023
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!