Mắc trầm cảm uống thuốc gì?

    Vợ tôi bị trầm cảm sau sinh, đây là lần thứ 2. Sau khi sinh lần đầu vợ tôi cũng mắc chứng trầm cảm nhưng nhẹ và đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng sau khi sinh lần 2 cô ấy lại bị tái phát khiến tôi rất lo lắng. Hai vợ chồng tôi ở riêng, hiện có nhờ mẹ vợ lên ở cùng để chăm và để ý đến vợ tôi. Thân làm chồng, tôi cũng đã nói chuyện chia sẻ nhưng không thể hiểu hết được và cảm thấy bệnh cô ấy vẫn không chuyển biến. Tôi rất lo lắng cho cả vợ và con mình. Trường hợp của vợ tôi liệu có chữa khỏi dứt điểm được không và cần dùng thuốc gì?

    Trả lời

    Chào bạn,

    Trong trường hợp của vợ bạn thì cô ấy đã từng bị trầm cảm sau sinh, và lần này lại bị tái phát. Tin vui cho bạn đó là trầm cảm sau sinh dễ điều trị hơn cả trong số những loại trầm cảm. Tùy theo mức độ trầm cảm cũng như đáp ứng của vợ bạn với thuốc mà có thể sử dụng các loại thuốc điều trị khác nhau, phổ biến nhất là nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin (SSRIs). Để lựa chọn ra loại thuốc thích hợp cần qua quá trình sử dụng và đánh giá. Nhiều bệnh nhân đáp ứng tốt với SSRIs nhưng cũng có bệnh nhân phải sử dụng nhóm thuốc khác như thuốc chống trầm cảm ba vòng, hoặc phối hợp 2 loại thuốc với nhau mới đem lại hiệu quả tốt.

    Ngoài ra bạn cần biết, phần lớn thuốc điều trị trầm cảm này đều bài tiết qua sữa mẹ nhưng với nồng độ rất thấp, đa số điều dưới 10% so với liều người mẹ sử dụng. Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, ngưỡng giới hạn dưới 10% được coi là có thể chấp nhận. Theo dữ liệu nghiên cứu, các nhà nghiên cứu và thực hành lâm sàng đưa ra lời khuyên:

    • Thuốc chống trầm cảm ưu tiên lựa chọn đối với phụ nữ cho con bú là Sertraline  Paroxetine vì lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ và hấp thu vào trẻ sơ sinh thấp nhất trong số các thuốc chống trầm cảm hiện có, được coi là an toàn đối với trẻ bú mẹ.
    • Thuốc không nên dùng: Fluoxetin, Citalopram, Venlafaxine

    Việc sử dụng thuốc điều trị trầm cảm cho phụ nữ cho con bú vẫn cần thận trọng và dưới đây là các quy tắc được đề xuất:

    1. Lựa chọn điều trị cần được phân tích lợi ích so với rủi ro: nguy cơ nếu không được điều trị; nguy cơ và lợi ích của việc điều trị; nguy cơ và lợi ích từ việc cho bú sữa mẹ.
    2. Cung cấp cho bệnh nhân đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh và rủi ro / lợi ích của các phương pháp điều trị để bệnh nhân đưa ra quyết định.
    3. Các liệu pháp không dùng thuốc, chẳng hạn như tâm lý trị liệu nên được coi là lựa chọn đầu tay để điều trị trầm cảm sau sinh mức độ nhẹ đến trung bình.
    4. Thuốc chống trầm cảm (đơn độc hoặc kết hợp với liệu pháp không dùng thuốc) nên được xem xét cho những phụ nữ bị trầm cảm ở mức độ từ trung bình đến nặng hoặc không tiếp nhận điều trị tâm lý.
    5. Việc lựa chọn thuốc chống trầm cảm cụ thể nên dựa trên các yếu tố lâm sàng, đặc biệt là các phương pháp điều trị hiệu quả trước đó.
    6. Sertraline hoặc Paroxetine là lựa chọn đầu tay cho những trường hợp phụ nữ mắc trầm cảm lần đầu tiên.
    7. Thuốc chống trầm cảm nên được bắt đầu ở liều thấp nhất có hiệu quả và tăng dần.
    8. Đơn trị liệu được ưu tiên.
    9. Cần theo dõi tình trạng lâm sàng của bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là đối với trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.
    10. Không nhất thiết phải theo dõi nồng độ thuốc trong máu trẻ sơ sinh.

    Bạn nên đưa vợ đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được thăm khám và tư vấn trực tiếp.

    Để biết chi tiết hơn về các loại thuốc được dùng điều trị trầm cảm bạn có thể đọc ở bài viết sau: Các thuốc điều trị trầm cảm hiện nay

    Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe,

    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời