Bí quyết phòng ngừa trầm cảm sau sinh

    Bệnh trầm cảm có thể gây ra cái kết đau lòng cho nhiều gia đình. Mới đây, vụ việc một bà mẹ trẻ bị trầm cảm đã giết con và cháu ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã gieo một hồi chuông lớn cảnh báo về điều này. Vì thế mỗi bản thân chị em phụ nữ cần biết những bí quyết phòng ngừa trầm cảm sau sinh để tránh những sai lầm đáng tiếc.

    Bí quyết phòng ngừa trầm cảm sau sinh 1

    Tham gia các lớp học tiền sản dành cho vợ và chồng

    Khóa học tiền sản là những bài học rất cần thiết đối với mọi bà bầu đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Những khóa học này nhằm trang bị kiến thức tổng quát cho phụ nữ từ cách giữ gìn sức khỏe khi mang thai, cần chuẩn bị những gì khi sinh nở, hành trình vượt cạn ra sao, cách chăm sóc bé sơ sinh như thế nào…Hơn nữa, người hướng dẫn cũng sẽ chỉ ra cho bạn các dấu hiệu để phát hiện chứng trầm cảm ở giai đoạn sớm. Vì thế, lớp học này cũng rất cần có sự tham gia của cả những ông chồng. Nó sẽ giúp người chồng sẵn sàng trước nhiều tình huống cần phải hỗ trợ và giúp đỡ vợ trong giai đoạn khó khăn này.

    Điều quan trọng nhất đối với mỗi bà bầu đó là rèn luyện tâm lý vững vàng trước khi chuyển dạ và đối mặt với các vấn đề sau sinh. Không nên có tâm lý trốn tránh, lo sợ. Hãy bình tâm và suy nghĩ rằng đây là điều bình thường mà bà mẹ nào cũng đã từng trải qua. Luôn tin tưởng vào chính mình cũng như chồng của bạn.

    (Nếu chưa hiểu về trầm cảm sau sinh hãy đọc thật kỹ bài này: “Trầm cảm sau sinh là gì?”)

    Thăm khám sức khỏe tổng quát và sàng lọc trước sinh

    Phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh. Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ trầm cảm sau khi sinh thì mẹ bầu nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ, thực hiện các bài kiểm tra đánh giá và sàng lọc trước sinh để phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể báo trước về chứng trầm cảm ở giai đoạn còn sớm.

    Bổ sung dinh dưỡng và thực hiện lối sống lành mạnh

    Các vấn đề về sức khỏe và thể chất yếu đuối cũng tiềm ẩn nguy cơ về trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Sự thay đổi hormone nội tiết sau giai đoạn sinh nở có thể khiến cho cơ thể của sản phụ mệt mỏi hơn, dễ tổn thương về thần kinh và tâm lý.

    PGS.TS Cao Tiến Đức – Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý học, Học viện Quân Y 103 cho biết, để phòng ngừa bệnh trầm cảm sau khi sinh, phụ nữ cần phải bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe nói chung trước và trong khi mang thai.

    Theo đó, các bà bầu nên bổ sung thêm nguồn thực phẩm đa dạng giàu chất đạm (trong các loại thịt và ngũ cốc), nhóm Vitamin và khoáng chất (Vitamin B6, B12 và axit folic),uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ, tránh những đồ uống gây kích thích.

    Bổ sung dinh dưỡng và thực hiện lối sống lành mạnh 1

    Sau khi sinh, nhiều mẹ thực hiện chế độ ăn kiêng nhưng không cần thiết phải kiêng khem quá đà. Nói chung, sinh thường chỉ cần kiêng những loại thức ăn gây lạnh bụng, khó tiêu hoặc mất sữa. Người sinh mổ thì phải tránh đồ tanh, đồ nếp, rau muống, trứng, thực phẩm đặc và nhiều đường. Những điều này sẽ được bác sỹ chỉ dẫn cụ thể nên chúng ta không cần quá lo lắng.

    Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng, ở trong nhà quá nhiều sẽ cơ thể bạn trì trệ hơn. Đồng thời, tránh quan hệ vợ chồng từ 2 – 4 tháng sau sinh tùy thuộc vào tình hình hồi phục của chị em. Quan hệ sớm vào thời kỳ này có thể khiến cho phụ nữ cảm thấy đau đớn và cuộc yêu không được như ý muốn, nhiều trường hợp còn gây ám ảnh cho chồng và vợ mỗi khi gần gũi nhau sau này.

    Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các mẹ bỉm sữa tham gia vào hoạt động sinh hoạt tập thể, thể thao lành mạnh, trò truyện với bạn bè để giúp cuộc sống hạnh phúc hơn.

    Chia sẻ công việc

    Sinh con đã khó, chăm con còn cực khổ hơn nhiều, vô vàn những việc không tên khiến phụ nữ thực sự căng thẳng và stress. Nhiều bà mẹ trẻ cảm thấy vô cùng áp lực trước việc chăm sóc con nhỏ, gia đình, nhà cửa. Đôi khi vì cố gắng gồng gánh để tự thân làm tất cả khiến họ không còn thời gian nghỉ ngơi và dành riêng cho mình.

    Theo lời khuyên của TS.BS Nguyễn Kim Dung – khoa Sản – BV Đa khoa Nông nghiệp: sau khi sinh, người mẹ cũng có thể tách con khoảng một tuần để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe và tinh thần, cố gắng tìm cho mình một giấc ngủ, tranh thủ ngủ lúc con đang ngủ để tránh mệt mỏi khi phải thức dậy nửa đêm để cho con bú.

    Chia sẻ công việc 1

    Vì thế bạn không cần quá “tham công tiếc việc”, đừng cố gắng để mọi thứ hoàn hảo. Thay vào đó nên tìm sự giúp đỡ từ người thân của mình và đón nhận sự giúp đỡ một cách thoải mái để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn trong giai đoạn nhạy cảm này.

    Nếu gia đình bạn có điều kiện thì có thể tham khảo dịch vụ giúp việc theo giờ để đỡ đần các công việc nhà, giúp các bà mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân hơn.

    Các chị em nên cố gắng mở lòng với người thân và bạn bè xung quanh. Nếu thắc mắc về việc chăm sóc con hãy tham khảo ý kiến của mẹ chồng, mẹ đẻ  hay chính những người bạn thân của mình để tìm được tiếng nói chung.

    Ngoài ra, một trong những bí quyết phòng ngừa trầm cảm sau sinh đó là việc trò chuyện với con. Tâm sự với con ngay từ khi còn trong bụng không chỉ giúp cho tình cảm gắn bó hơn mà còn làm cho bạn cảm thấy thư giãn.

    >>> Nguyên nhân nào gây ra chứng trầm cảm sau khi sinh?

    Chồng cũng là bác sỹ tâm lý của bạn

    Hiện nay, tâm lý trị liệu là phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh trầm cảm. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ rằng người chồng thực sự có thể trở thành bác sỹ tâm lý trong giai đoạn này. Tất nhiên, không phải là đợi đến lúc vợ có biểu hiện mới lo điều trị.

    Là chồng, bạn nên gần gũi và chia sẽ những tâm tư và lo lắng của vợ từ thời kì mang bầu đến cả giai đoạn sau sinh. Luôn lắng nghe và thông cảm, giúp đỡ vợ những công việc nhà để vợ cảm thấy đước quan tâm và yêu thương hơn.

    Rất nhiều ông chồng cho rằng, chỉ cần cho vợ một cuộc sống đầy đủ về vật chất là họ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ít ai biết rằng phụ nữ sau khi sinh họ rất nhạy cảm nên rất cần sự quan tâm và an ủi của chồng.

    Đối với nhiều gia đình, có thể mối quan hệ xảy ra giữa mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy tốt lành nhưng hơn ai hết người chồng phải là người cân bằng và đứng về phía vợ trong giai đoạn này, để giúp tạo niềm tin và chỗ dựa cho người phụ nữ. Đây là lúc họ cần được chia sẻ, động viên từ phía gia đình. Luôn tạo không khí vui vẻ để các bà mẹ cảm thấy rằng không còn có gì phải lo lắng.

    Chứng trầm cảm sau khi sinh sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời, vì thế người thân trong gia đình hãy luôn chú ý đến từng hành động nhỏ nhất của các bà mẹ bỉm sữa

    Nguyễn Hà - 12 Tháng Mười Một, 2018
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!