Điều trị trầm cảm sau sinh

    Không ít các trường hợp đau lòng xảy ra khi những bà mẹ trẻ tự tay sát hại đứa con của chính mình đang cảnh báo chúng ta về một căn bệnh nguy hiểm mang tên TRẦM CẢM SAU SINH.

    Thực tế trầm cảm sau sinh không phải là một bệnh hiếm gặp. Theo thống kê có ít nhất 24% các bà mẹ bị trầm cảm trước và sau sinh. Tuy nhiên, hầu như trầm cảm sau sinh không được gia đình phát hiện ra cho tới khi xảy ra những hậu quả đau lòng. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trầm cảm sau sinh, cách phát hiện và điều trị căn bệnh này.

    Làm thế nào để nhận biết trầm cảm sau sinh?

    Hầu hết phụ nữ sau khi sinh nở đều trải qua hội chứng “baby blues”, là những thay đổi về mặt tâm trạng trong những ngày mới sinh. Người mẹ có thể thay đổi tâm trạng đột ngột, đang từ rất hạnh phúc sang rất buồn, có thể khóc mà không có lí do, mất kiên nhẫn, bồn chồn, cô đơn, buồn bã. Tình trạng này có thể tự hết mà không cần can thiệp nhưng nếu chúng kéo dài trên 2 tuần thì cần cảnh giác với chứng trầm cảm sau sinh.

    Làm thế nào để nhận biết trầm cảm sau sinh? 1

    Trầm cảm thường xuất hiện sau khi sinh được lý giải do cơ thể người mẹ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố, miễn dịch…dễ dẫn tới suy sụp, trầm cảm. Bên cạnh đó, áp lực nuôi con, khó khăn tài chính hoặc sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người chồng, yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân của trầm cảm sau sinh. Rất khó để người trong cuộc có thể ý thức được bản thân đang gặp phải vấn đề với trầm cảm. Nguy hiểm hơn nữa là những bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh có thể bị rối loạn tâm thần, ám ảnh, hoang tưởng dẫn tới hành vi tiêu cực như tự tử hoặc ra tay sát hại chính con của mình. Chính vì vậy, sự quan tâm, thấu hiểu, hỗ trợ của gia đình là rất cần thiết để phòng tránh và phát hiện, can thiệp sớm đối với trầm cảm sau sinh.

    Người bị trầm cảm sau sinh có thể có những dấu hiệu sau:

    • Buồn bã, cảm giác cô đơn và tiêu cực kéo dài
    • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
    • Tâm trạng thay đổi thất thường, không làm chủ được cảm xúc
    • Cảm thấy khó khăn để gắn kết với con
    • Rối loạn ăn uống
    • Mất hứng thú
    • Có ý nghĩ tự làm hại mình hoặc em bé

    Khi thấy những biểu hiện trên kéo dài từ 2 tuần, việc cần làm đầu tiên của những người thân trong gia đình là đưa người mẹ đi thăm khám bác sỹ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Thông qua hỏi triệu chứng và một vài xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự (chẳng hạn suy giáp), bác sỹ có thể chẩn đoán chứng trầm cảm sau sinh và có biện pháp can thiệp kịp thời.

    Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh

    Trầm cảm sau sinh (PPD) đôi khi có thể tự biến mất trong vòng 3 tháng sau sinh . Nhưng nếu nó cản trở hoạt động bình thường của bạn bất cứ lúc nào, hoặc nếu hội chứng “baby blues” kéo dài hơn hai tuần, bạn nên tìm cách điều trị. Việc điều trị nên được tiến hành càng sớm càng tốt để tình trạng không bị xấu đi và đặc biệt là tránh để ảnh hưởng tới em bé.

    Khoảng 90% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể được điều trị thành công bằng thuốc hoặc kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý . Trong trường hợp trầm cảm sau sinh nặng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh, có thể cần phải nhập viện hoặc sử dụng tới liệu pháp sốc điện (ECT).

    Các biện pháp không sử dụng thuốc

    Vì lí do an toàn, các biện pháp không sử dụng thuốc được ưu tiên để điều trị trầm cảm sau sinh ở mức độ nhẹ đến vừa, bao gồm:

    Các biện pháp không sử dụng thuốc 1

    • Tâm lý trị liệu: Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn với liệu pháp tâm lý – điều trị bằng cách trò chuyện về tình trạng của bạn và những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần. Trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ tinh thần và giúp bạn hiểu cảm xúc của mình, xác định các vấn đề và tìm cách giải quyết.
    • Tham gia các hội nhóm hỗ trợ trầm cảm sau sinh: Các hội nhóm có thể chia sẻ những thông tin hữu ích về kinh nghiệm, cách ứng phó với trầm cảm sau sinh. Việc tham gia những hội nhóm này có thể rất hữu ích để tìm thấy sự đồng cảm và giúp đỡ.
    • Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp nâng cao tinh thần của bạn. Một khi bạn đã phục hồi thể chất sau khi sinh, hãy cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục sau khi hồi phục sức khỏe hậu quá trình sinh nở có thể giúp gia tăng cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể lựa chọn một chương trình luyện tập phù hợp với thể trạng của mình.
    • Sử dụng men vi sinh đặc hiệu (psycho-biotic): những năm gần đây các kết quả nghiên cứu đã cho thấy giữa NÃO BỘ- RUỘT có mối tương tác hai chiều tác với nhau , trong đó hệ khuẩn chí đường ruột đóng một vai trò rất quan trọng giúp sự trao đổi thông tin giữa NAO- RUỘT xảy ra theo một cách đúng đắn. Bằng chứng rõ rệt nhất là việc ghi nhận có sự thay đổi lớn về thành phần hệ khuẩn chí đường ruột, đặc biệt sự sụt giảm đáng kể các vi khuẩn có lợi như Bifidobacterium, Lactobacilus ở các bệnh nhân trầm cảm, stress… Chính vì vậy, các nhà khoa học đã dùng những chủng vi khuẩn có lợi được chọn lọc đặc biệt nhờ khả năng tác động tích cực lên hoạt động của trục não – ruột gọi là psychobiotics để tái lập lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ bảo vệ và cải thiện sức khỏe của đường ruột do đó giúp bình thường hóa tương tác thông tin giữa NÃO- RUỘT và giảm các triêu chứng mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, đau đầu, … Đây là một lựa chọn an toàn và phù hợp đối với các bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều chế phẩm probiotics khác nhau và đa phần chúng được sử dụng để hỗ trợ cho tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón…). Do đó bạn cần lưu ý lựa chọn đúng các chế phẩm được thiết kế chuyên biệt để có tác dụng đích trên trục não ruột thì mới đạt được hiệu quả tốt.

    Thuốc điều trị cho trầm cảm sau sinh

    Thuốc điều trị cho trầm cảm sau sinh 1

    Các dữ liệu về sử dụng thuốc chống trầm cảm trên phụ nữ cho con bú tương đối hạn chế do chỉ được theo dõi ngắn hạn, tuy nhiên chưa ghi nhận tác dụng bất lợi nào khi sử dụng thuốc chống trầm cảm ở phụ nữ cho con bú. Nếu bạn đang cho con bú, việc sử dụng thuốc sẽ được bác sỹ cân nhắc rất cẩn trọng dựa trên những nguy cơ và lợi ích điều trị thu được. Bạn có thể trao đổi với bác sỹ thật kỹ để biết được những nguy cơ có thể gặp phải nếu sử dụng thuốc cũng như hậu quả nếu không điều trị với thuốc và cùng bác sỹ đưa ra quyết định.

    Trong các trường hợp điều trị trầm cảm sau sinh lần đầu tiên, ưu tiên lựa chọn các loại thuốc có dữ liệu an toàn nhiều hơn cả đó là sertraline và paroxetine (thuộc nhóm SSRIs). Các thuốc ưu tiên lựa chọn trong nhóm chống trầm cảm ba vòng là nortriptyline và imipramine.

    Điều trị tại bệnh viện

    Đối với trường hợp bị loạn thần sau sinh (xuất hiện ảo giác, hoang tưởng), hoặc có ý định, kế hoạch tự tử hoặc sát hại con thì ngay lập tức cần nhập viện để cách ly bà mẹ khỏi em bé và để điều trị đặc hiệu.

    DS. Lan Hương

    Hiệu đính: BS. Lê Đình Phương

    Benhlytramcam.vn - 24 Tháng Ba, 2022
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!