Chữa trầm cảm khó mà lại dễ

    Trước tiên cần khẳng định trầm cảm là một bệnh lý, cũng tương tự như các bệnh lý đái tháo đường, hen suyễn tim mạch…và chúng ta có những cách chữa trầm cảm hiệu quả như sử dụng thuốc, phối hợp với tâm lý trị liệu hoặc kích thích từ xuyên sọ.

    Chữa trầm cảm khó mà lại dễ 1

    Trầm cảm là bệnh lý và đã là bệnh lý thì đều có thể chữa

    Trầm cảm thực ra là bệnh không quá khó chữa

    Nhiều người trong số chúng ta vẫn đang nghĩ trầm cảm là bệnh tâm thần nên rất khó chữa, nhưng trên thực tế có tới 80% bệnh nhân trầm cảm đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Có nhiều loại thuốc chữa trầm cảm nhưng được sử dụng phổ biến nhất là các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs). Thuốc có thể phát huy hiệu quả sau khoảng 2-6 tuần điều trị.

    Sau vài tuần sử dụng thuốc, nhiều người có thể cảm thấy hết hoàn toàn các triệu chứng, lại quay trở lại như ban đầu, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên, nếu dừng lại tại đây thì kết quả điều trị sẽ là con số không, hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với trước.  Người bệnh trầm cảm cần sử dụng thuốc tối thiểu từ 16-20 tuần cho mỗi đợt trầm cảm – đây gọi là giai đoạn tấn công (hay giai đoạn bình phục). Tiếp đó, bệnh nhân sẽ được duy trì thuốc, kể cả khi bệnh nhân đã cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất cứ triệu chứng gì nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phát cơn trầm cảm. Có những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao có thể cần sử dụng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, điều này cũng không lấy gì làm nặng nề bởi vì có rất nhiều bệnh lý khác chúng ta cũng phải dùng thuốc suốt đời, chẳng hạn như bệnh lý huyết áp, đái tháo đường… Điều quan trọng nhất là đạt được hiệu quả điều trị và giúp cho bệnh nhân quay trở lại với cuộc sống bình thường, có thể tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.

    Như vậy nếu kiên trì, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh trầm cảm.

    Vậy khó khăn nằm ở đâu?

    Có thể thấy đa số bệnh nhân trầm cảm nếu được điều trị sẽ có đáp ứng tốt. Vậy thì tại sao số người tự tử hàng năm vì trầm cảm vẫn lên tới con số 30.000-40.000 người chỉ riêng tại nước ta? Dưới đây là một số vấn đề đang là trở ngại cho việc điều trị trầm cảm:

    Trầm cảm ít được phát hiện và điều trị kịp thời

    Mặc dù trầm cảm là một bệnh lý phổ biến, có tới 30% dân số Việt Nam mắc rối loạn tâm thần trong đó 25% là trầm cảm. Thế nhưng, ước tính chỉ có 1/3 trong số đó là được chuẩn đoán và điều trị nghiêm túc. Nguyên nhân đầu tiên khiến cho trầm cảm khó được phát hiện đó là chúng ta dễ đánh đồng những triệu chứng về mặt tâm thần của trầm cảm (như cáu giận, buồn bã, ủ dột, mất hứng thú…) với những cảm xúc bình thường và không chú ý đến. Những triệu chứng tổn thương về mặt thực thể của trầm cảm như đau nhức, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, hồi hộp, mất ngủ…lại dễ nhầm lẫn với bệnh lý của chuyên khoa khác. Chính vì hiểu biết còn hạn chế về trầm cảm ở cả bệnh nhân và nhân viên y tế nên trầm cảm thường bị bỏ sót, không được phát hiện và điều trị kịp thời.

    Nguyên nhân thứ 2 là do cảm giác xấu hổ, sợ bị kỳ thị nên người bệnh thường giấu giếm về tình trạng của mình; hoặc nghĩ mình có thể tự vượt qua. Điều này rất nguy hiểm bởi vì trầm cảm thực sự là một tình trạng bệnh lý mà chúng ta không thể tự mình giải quyết được. Trầm cảm không được điều trị sẽ dần trở nên trầm trọng hơn và hậu quả không chỉ là mất khả năng làm việc, hòa nhập với xã hội mà còn dẫn tới các hành vi nguy hiểm như tự làm tổn hại mình và người thân.

    Người bệnh dễ bỏ thuốc

    Tất cả các thuốc chống trầm cảm hiện nay đều có hiệu quả chậm, thông thường phải mất từ 2-6 tuần người bệnh mới thấy được triệu chứng cải thiện. Trong khoảng 2 tuần đầu tiên điều trị, bệnh nhân rất dễ bỏ thuốc hoặc tăng nguy cơ tự sát do những tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị.

    Người bệnh dễ bỏ thuốc 1

    Bệnh nhân bỏ uống thuốc khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn

    Một số bệnh nhân cũng tự ý bỏ thuốc khi thấy triệu chứng đã thuyên giảm hay sợ gặp tác dụng không mong muốn của thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sỹ. Việc bỏ thuốc khi chưa đủ liệu trình có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực trong quá trình điều trị. Hoặc nếu bệnh nhân ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài sử dụng mà không có sự giảm liều từ từ thì có thể dẫn tới hội chứng cai thuốc, chứng trầm cảm đột nhiên tái phát trầm trọng hơn và có thể dẫn tới hành vi tự sát.

    Tỉ lệ tái phát cao

    Diễn tiến điển hình của trầm cảm là những đợt tái phát cơn trầm cảm, tình trạng càng kéo dài thì tỉ lệ tái phát càng cao. Theo thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân bị tái phát bệnh sau khi đã phục hồi từ đợt trầm cảm đầu tiên. Tỉ lệ tái phát lên tới 80% nếu đã có tiền sử bị 2 cơn trầm cảm. Thời gian xuất hiện cơn trầm cảm tái phát trung bình là 5 năm sau khi bình phục.

    (Đọc  bài viết “Chữa trầm cảm không dùng thuốc” để biết thêm các cách chữa bệnh tự nhiên khác)

    Cần sự chung tay của cộng đồng

    Cần sự chung tay của cộng đồng 1

    Trầm cảm là vấn đề xã hội và cần cả cộng đồng chung tay 

    Trầm cảm là một vấn đề của toàn xã hội và để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của trầm cảm chúng ta cần chung tay hành động để cộng đồng có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này. Giáo dục bệnh nhân hiểu rõ trầm cảm là một bệnh lý chứ không phải khiếm khuyết về thần kinh hay nhân cách yếu đuối, xóa bỏ sự kì thị đối với bệnh trầm cảm để người bệnh không ngại tìm đến sự trợ giúp xung quanh. Tìm hiểu kỹ những dấu hiệu của trầm cảm giúp bạn nhận ra và kịp thời giúp đỡ cho những người thân, bạn bè của mình.

    Bên cạnh đó, theo TS.BS.Nguyễn Đình Phương – Trưởng khoa Nội tổng quát và YHGĐ – Bệnh viện FV thì chúng ta còn cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay với sự quá tải bệnh nhân tại hầu hết các bệnh viện, các bác sỹ khó lòng có đủ thời gian để khai thác hết bệnh sử và chuẩn đoán chính xác trầm cảm. Cập nhật kiến thức thông qua các buổi đào tạo liên tục cho các bác sỹ nội tổng quát và bác sỹ nội khoa cũng giúp chúng ta sớm phát hiện trầm cảm ở ngay những cơ sở thăm khám ban đầu.

    Ds. Hải Nam

    Benhlytramcam.vn - 24 Tháng Ba, 2022
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!