Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần?

    Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần hay không – đây là một thắc mắc của khá nhiều người. Có thể thấy mặc dù trầm cảm là một bệnh khá phổ biến nhưng hiểu biết của xã hội về bệnh lý này vẫn còn hạn chế.  Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ một trong những băn khoăn của bạn đọc về bệnh trầm cảm.

    Mức độ phổ biến của trầm cảm

    Mức độ phổ biến của trầm cảm 1

    Hầu hết chúng ta đều vô cùng kinh ngạc khi biết được trầm cảm lại phổ biến đến như vậy. Hiện trên thế giới có khoảng 350 triệu người đang phải ứng phó với chứng trầm cảm và trung bình mỗi ngày có khoảng 2900 người tự sát. Trầm cảm có thể gặp ở mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề khác nhau nhưng có những nhóm người dễ mắc trầm cảm hơn đó là người cao tuổi, phụ nữ (đặc biệt là sau sinh nở), những người làm việc cường độ cao như giới y bác sỹ, người đang có bệnh lý (ung thư, tim mạch, đái tháo đường…), trầm cảm ở học sinh, sinh viên.

    Nguyên nhân của trầm cảm chưa được làm rõ nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới trầm cảm như sự căng thẳng, áp lực kéo dài, những biến cố, khủng hoảng trong cuộc sống, thay đổi môi trường và yếu tố di truyền.

    Hậu quả của trầm cảm có thể rất nghiêm trọng bao gồm hành vi tự sát hoặc làm tổn hại người khác – đó là những gì chúng ta có thể nhìn thấy qua các thông tin truyền thông hàng ngày. Nhưng không chỉ như vậy, hậu quả của trầm cảm còn ở gánh nặng về mặt tài chính do chi phí điều trị và đặc biệt là người bệnh dần mất đi khả năng lao động, làm việc bình thường. Có một so sánh rất thực tế, đó là chi phí điều trị trầm cảm hàng năm ở Mỹ được ước tính bằng chi phí hoạt động của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ).

    (Hiểu rõ hơn về trầm cảm qua bài viết: Trầm cảm – bệnh lý cần chung tay của cả cộng đồng)

    Trầm cảm có phải là một bệnh hay không?

    Trầm cảm có phải là một bệnh hay không? 1

    Một sai lầm mà phần lớn chúng ta mắc phải đó là coi trầm cảm là một tình trạng cảm xúc, có thể tự vượt qua mà không phải bệnh lý. Xã hội cho rằng người trầm cảm là yếu đuối, thiếu ý chí, lười nhác, không hòa đồng…Chính những sai lầm đó vô tình làm cho người mắc trầm cảm ngại ngùng, che dấu tình trạng của mình dẫn tới không được điều trị kịp thời. Trên thực tế, trầm cảm được xác định là một bệnh lý thực sự. Theo phân loại quốc tế ICD-10, trầm cảm có mã bệnh là F32, thuộc bệnh Rối loạn khí sắc – nhóm bệnh Rối loạn tâm thần và hành vi. Trầm cảm có nhiều dạng khác nhau, được phân loại mã bệnh từ F32.0 –F32.9.

    Trầm cảm gây tổn thương thực sự ở não bộ

    Trầm cảm gây tổn thương thực sự ở não bộ 1

    Các nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bệnh trầm cảm không phải là một bệnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cấu trúc thần kinh và mạng lưới thần kinh điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác đều có sự biến đổi trong bệnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bệnh nhân không chỉ có những triệu chứng về mặt tâm lý mà còn có biểu hiện cơ thể. Đặc biệt, hầu như các bệnh nhân khi đến thăm khám đều khai các triệu chứng về mặt cơ thể (như đau ngực, mệt tim, mệt mỏi, ngất xỉu, đau đầu, mất ngủ, đau nhức toàn thân, đau khớp…) mà không đề cập tới triệu chứng về mặt tâm lý, điều này gây ra khó khăn trong quá trình chẩn đoán, xác định chính xác bệnh gốc.

    Những nghiên cứu chụp hình bằng PET scan hay MRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic  hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ… Hệ thống cortex hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ… Khi bệnh trầm cảm được điều trị thì những sự mất quân bình kể trên được đổi chiều và cân bằng trở lại.

    Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra quá nhiều kích thích tố (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh. Khi glucocorticoids tăng và chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh, đặc biệt là tế bào Hippocampus rất quan trọng trong ghi nhớ. Vì thế khi bị stress hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì một số tế bào thần kinh có thể chết dần dẫn tới suy giảm trí nhớ.

    >> Trầm cảm có nguy hiểm không?

    Xét về tổng thể, trầm cảm là bệnh lý thuộc về tâm thần, nhưng nó khác với khái niêm bệnh tâm thần đại đa số người dân hay hiểu là những trường hợp bệnh nặng, hoang tưởng hay còn gọi là “điên”. Khi được điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc cả hai thì người bệnh có thể lấy lại cân bằng về cảm xúc và trở lại với cuộc sống bình thường.

    Trên đây là những thông tin chúng tôi mang đến cho bạn đọc để giải đáp cho câu hỏi trầm cảm có phải bệnh tâm thần hay không. Điều quan trọng cần phải ghi nhớ đó là trầm cảm là một bệnh lý thực sự, tương tự như các bệnh lý khác và cần được phát hiện và điều trị sớm.

    Theo benhlytramcam.vn

    Benhlytramcam.vn - 18 Tháng Mười Hai, 2018

    Bình luận về bài viết

    1. Chi đã bình luận

      E bị trầm cảm nặng. Dễ choáng, sợ đi xa, sợ bi chê bai, sợ thua người khác

      • Chuyên gia tư vấn đã bình luận

        Chào bạn,
        Dựa trên những triệu chứng bạn mô tả không đủ cơ sở để kết luận bạn mắc trầm cảm mà có thể gợi ý tới rối loạn lo âu nếu những triệu chứng này đã kéo dài nhiều tháng. Bạn nên thăm khám ở cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp nhé.
        Chúc bạn mạnh khỏe,

    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!