Bạn đã hiểu về trầm cảm?

    Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhắc rất nhiều về trầm cảm và những hậu quả nghiêm trọng mà trầm cảm có thể gây ra. Bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều có nguy cơ mắc trầm cảm. Vậy, bạn đã biết gì về căn bệnh này?

    Bạn đã hiểu về trầm cảm? 1

    Trầm cảm có phổ biến không?

    Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới với khoảng 350 triệu người đang bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử, có nghĩa là trung bình mỗi ngày có 2900 người tự tử  và trên 70% nguyên nhân của tự sát chính là trầm cảm.

    Trầm cảm là bệnh thường gặp trong bệnh nội khoa:

    Trầm cảm thường xuất hiện trong bối cảnh các bệnh lý khác, nhất là các bệnh mạn tính:

    • Tỉ lệ trầm cảm ở những bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não khoảng 30-50%
    • Tỉ lệ trầm cảm ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch khoảng 15-23%
    • Tỉ lệ trầm cảm ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khoảng 11-12%
    • Tỉ lệ trầm cảm ở những bệnh nhân mắc bệnh COPD (viêm phổi tắc nghẽn mạn tính) khoảng 10-20%

    Trầm cảm trong bối cảnh nhi khoa

    Không chỉ người mẹ dễ mắc trầm cảm ở giai đoạn trước sinh và sau sinh mà cả người cha cũng có thể gặp trầm cảm ở giai đoạn này. Theo thống kê, có khoảng 24% bà mẹ bị trầm cảm trước và sau sinh, trong khi đó tỉ lệ trầm cảm sau sinh ở cha là 20%.

    Trầm cảm là một bệnh rất phổ biến. Ai cũng có thể mắc trầm cảm (Xem chi tiết qua bài viết: Trầm cảm là gì?)

    Ảnh hưởng của trầm cảm trong bệnh lý nội khoa

    Trầm cảm trước tiên làm gia tăng gánh nặng về mặt chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong một so sánh, người ta ước tính “chi phí điều trị trầm cảm ở Mỹ gần bằng ngân sách nghiên cứu không gian của NASA”.

    Nguy hiểm hơn nữa, trầm cảm có thể làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị các bệnh lý khác và làm gia tăng nguy cơ biến chứng, tử vong cho người bệnh. Chẳng hạn trong bệnh lý mạch vành, nếu một người bị trầm cảm thì sẽ có tỉ lệ tử vong tích lũy sau nhồi máu cơ tim cao gấp khoảng 2,5 lần so với người không mắc trầm cảm.

    Dấu hiệu nhận biết trầm cảm

    Một điều mà có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa biết, đó là những biểu hiện ban đầu của trầm cảm thường là những triệu chứng thực thể (tức là những bất thường ở cơ thể mà bạn có thể cảm nhận được). Bệnh nhân thường có những biểu hiện toàn thân như: đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đau lưng, khó thở, mất ngủ, đau bụng, tê cóng…Điều này khiến cho bệnh nhân rất khổ sở vì đi thăm khám nhiều chuyên khoa khác nhau mà không tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

    Theo thống kê khoảng 88% bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần thăm khám ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thay vì chuyên khoa tâm thần. Trong số các trường hợp phát hiện có rối loạn tâm thần ở phòng khám ban đầu, có tới 83% là than phiền các triệu chứng cơ thể, chỉ 17% là than phiền về tâm lý. Thường thì khi thăm khám, bác sỹ không tìm ra nguyên nhân của những triệu chứng cơ thể này.

    Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân ngoại trú ở Nhật Bản, người ta đưa ra kết luận rằng: nếu như một bệnh nhân có từ 3 triệu chứng cơ năng và/hoặc đã đi thăm khám từ 4 bác sỹ trở lên thì nên tầm soát trầm cảm.

    Triệu chứng của trầm cảm rất phân tán và đa dạng, thường dễ bị lần vào triệu chứng của những chuyên khoa khác và bị bỏ sót”

    Chi tiết hơn với bài viết: Các triệu chứng của bệnh nhân trầm cảm

    Chuẩn đoán xác định trầm cảm được thực hiện như thế nào?

    Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp và cần phải được điều trị giống như bất kỳ bệnh lý thông thường nào khác. Chứng trầm cảm nếu không được chữa trị có thể ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Thậm chí, trầm cảm nặng còn có thể dẫn tới tự tử. Chính vì vậy, khi có các biểu hiện triệu chứng nên thăm khám bác sỹ càng sớm càng tốt để được chuẩn đoán và điều trị. Bác sỹ sẽ chuẩn đoán trầm cảm chủ yếu thông qua hỏi triệu chứng và tiền sử bệnh, gia đình:

    Chuẩn đoán xác định trầm cảm được thực hiện như thế nào? 1

    Thang DSM-IV chẩn đoán trầm cảm

    Bên cạnh đó, bác sỹ có thể cho bạn thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác nhắm loại trừ một số bệnh lý có thể có biểu hiện tương tự như:

    • FBS: tầm soát tiểu đường
    • CRX: bệnh lao
    • Anti-HCV: viêm gan C
    • TSH: bệnh lý tuyến giáp
    • NGFL, B12, folate

    Điều trị trầm cảm

    Trầm cảm là một bệnh thực thể có nguồn gốc rất sâu xa và phức tạp, có sự tác động của yếu tố di truyền, xã hội, môi trường. Trầm cảm không phải là nhân cách bệnh

    Thuốc điều trị:

    Thuốc điều trị được sử dụng trong các trường hợp trầm cảm nặng. Có 4 nhóm thuốc điều  trị chính là TC (thuốc chống trầm cảm ba vòng), IMAOs, SSRIs, SNRIs nhưng trong đó nhóm SSRIs được sử dụng phổ biến hơn cả do dễ dùng và ít tác dụng không mong muốn hơn. Sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể cho hiệu quả tới 80% các trường hợp bệnh nhân.

    Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải kiên trì bởi vì đáp ứng của mỗi người với một loại thuốc là khác nhau. Do đó mà bác sỹ có thể phải thay đổi nhiều loại thuốc để tìm ra thuốc thực sự thích hợp với từng bệnh nhân. Hơn nữa, thuốc chống trầm cảm cần một khoảng thời gian đủ dài (từ 3-4 tuần) để cho thấy được hiệu quả điều trị, và có thể bạn sẽ gặp một số tác dụng không mong muốn trong một vài tuần đầu tiên sử dụng thuốc.

    Đọc chi tiết về các loại thuốc trong bài viết: Các thuốc dùng trong điều trị trầm cảm

    Các giai đoạn điều trị

    Giai đoạn 1: điều trị tấn công để giúp bệnh nhân hết triệu chứng bệnh

    Giai đoạn 2: điều trị duy trì để tránh tái phát bệnh

    Giai đoạn 3: theo dõi lâu dài.

    Trầm cảm là bệnh dễ tái phát, có thể cần điều trị lâu dài và điều trị nhiều đợt.

    Tuyệt đối KHÔNG nên tự ý ngừng thuốc đột ngột vì nó có thể làm các triệu chứng trầm cảm đột ngột xấu đi, thậm chí dẫn tới nguy cơ tự tử. Khi cần ngừng thuốc trầm cảm, bạn hãy trao đổi với bác sỹ để được hướng dẫn giảm liều dần dần.

    80% bệnh nhân trầm cảm đáp ứng tốt với thuốc.

    Tác dụng không mong muốn có thể gặp trong thời gian đầu dùng thuốc, thường nhẹ trong 1 tuần đầu. 

    Trầm cảm là bệnh lý cần điều trị lâu dài

    Khi nào cần gặp bác sỹ chuyên khoa tâm thần?

    Trầm cảm có thể được điều trị ngay ở lần thăm khám ban đầu bởi các bác sỹ nội tổng quát và cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sỹ chuyên khoa tâm thần:

    • Mắc trầm cảm thể tâm thần: rối loạn hưng cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực.
    • Không đáp ứng thuốc.
    • Cần phối hợp thuốc.
    • Có ý định tự sát.

    Tóm lại, trầm cảm là một bệnh lý rất phổ biến, không phải là một sự yếu đuối về nhân cách hay thiếu ý chí và nó cần được nhìn nhận cũng như điều trị giống các bệnh lý thông thường khác. Đây là một bệnh lý mạn tính, cần điều trị lâu dài và đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì cũng như cần có sự thấu hiểu, hỗ trợ, động viên từ người thân.

    BS. Lê Đình Phương – Trưởng khoa nội bệnh viện FV

    Bài giảng cho bác sỹ gia đình – BV ĐH Y dược TP HCM

    Chuyên gia tư vấn - 24 Tháng Ba, 2022

    Bình luận về bài viết

    1. Nguyễn Quang Phú đã bình luận

      Tôi là nam, 24 tuổi có nhiều dấu hiệu bị trầm cảm như chán nản, ngủ quá nhiều (hơn 12 tiếng/ngày), hay nghĩ đến cái chết, trống rỗng, ngại tiếp xúc và không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Xin cho tôi lời khuyên hoặc cách thức để thoát khỏi tình trạng này

      • Chuyên gia tư vấn đã bình luận

        Chào bạn,

        Những triệu chứng bạn mô tả có thể gợi ý tới bệnh trầm cảm. Trầm cảm là một bệnh lý nguy hiểm, do vậy khi có những biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạn nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Một số các địa chỉ thăm khám bệnh bạn có thể tham khảo:

        Ở thành phố Hồ Chí Minh :
        -Bệnh viện đại học y dược
        -Bệnh viện tâm thần TP.HCM
        -Bệnh viện nguyễn tri phương
        – Bệnh viện 115
        -Phòng tham vấn Tâm lý Hồn Việt.

        Ở Hà Nội :
        -Viện sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai
        -Bệnh viện tâm thần trung ương
        -Phòng khám Cây Thông Xanh Số 39, ngõ 255 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
        -Phòng khám Yecxanh – 221 Phố Vọng của thầy Lê Đức Hinh.
        -Trung tâm tư vấn và chăm sóc rối nhiễu tâm trí – 4 ngõ 183 Hoàng Văn Thái của thầy Nguyễn Hồi Loan.
        -Bệnh viện ĐH Y – phòng khám số 1.

        Chúc bạn mạnh khỏe,

    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!