Hẳn mọi người đã quá quen thuộc từ trầm cảm nhưng ít ai lại hiểu đúng và rõ về nó vì vậy hãy đọc bài viết này để có cái nhìn đúng hơn về bệnh trầm cảm. Trầm cảm là một bệnh lý tâm – thể (tâm thần và cơ thể) phức tạp và cần điều trị với thuốc và liệu pháp tâm lý.
Mục lục bài viết
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm được định nghĩa là một căn bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần, ảnh hưởng tới toàn bộ suy nghĩ, cảm nhận, hành vi và cả sức khỏe. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh mà còn tác động lên những người thân của họ.
Trầm cảm KHÔNG phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay thiếu ý chí của bản thân người bệnh. Người bệnh không đơn giản là có thể tự “kéo mình lại” và trở lên tốt hơn. Nếu không được điều trị, tình trạng trầm cảm có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến nhưng mức độ nghiêm trọng thì rất đáng lưu tâm. Hầu hết các trường hợp mắc trầm cảm cần được điều trị.
Cũng giống như các bệnh lý khác, trầm cảm có nhiều dạng khác nhau, được chia thành 3 mức độ là trầm cảm nặng, trầm cảm trung bình và trầm cảm nhẹ. Một số dạng trầm cảm cũng có thể phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như:
- Trầm cảm tâm thần: xảy ra khi bệnh trầm cảm nghiêm trọng kèm theo một số dạng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như bị gián đoạn bởi ảo giác, ảo tưởng.
- Trầm cảm sau sinh: được chuẩn đoán nếu một bà mẹ có xu hướng trầm cảm trong vòng 1 tháng sau sinh. Ước tính có tới 10-15% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: được đặc trưng bởi sự khởi đầu của căn bệnh trầm cảm trong những tháng mùa đông, khi có ít ánh sáng mặt trời hơn.
- Rối loạn lưỡng cực: còn được gọi là bệnh hưng trầm cảm, không phổ biến. Rối loạn lưỡng cực được đặc trưng bởi tâm trạng thay đổi thất thường, có thể đột ngột hưng cảm (tăng động, kích thích) hoặc trầm cảm.
Tìm hiểu chung về trầm cảm qua bài viết: Tất tần tật các thông tin về Trầm Cảm
Nguyên nhân trầm cảm
Trầm cảm không có nguyên nhân cụ thể mà là kết quả tổng hợp của các yếu tố di truyền, sinh hóa, môi trường và tâm lý.
Nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh trầm cảm là những rối loạn của não bộ. Các công nghệ hình ảnh não, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI), đã chỉ ra rằng bộ não của những người trầm cảm trông khác với bộ não của những người không bị trầm cảm. Các bộ phận của não chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng, suy nghĩ, giấc ngủ, sự thèm ăn và hành vi dường như hoạt động bất thường. Ngoài ra, các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng – các hóa chất mà các tế bào não sử dụng để giao tiếp – cũng có sự mất cân bằng.
Một số loại trầm cảm có xu hướng xuất hiện trong gia đình, gợi ý một tính chất di truyền. Tuy nhiên, trầm cảm cũng có thể xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình. Nghiên cứu di truyền cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm do ảnh hưởng của nhiều gen tác động cùng với môi trường hoặc các yếu tố khác.
Ngoài ra, chấn thương, mất người thân, mối quan hệ khó khăn hoặc bất kỳ tình huống căng thẳng nào cũng có thể gây ra một giai đoạn trầm cảm.
Xem kỹ hơn với bài viết: Top các nguyên nhân gây trầm cảm hàng đầu
Cách nhận biết trầm cảm
Trên thực tế, người mắc chứng trầm cảm thường thăm khám bác sỹ chuyên khoa tâm lý khi bệnh đã nặng, với những biểu hiện như: tâm trạng buồn bã, lo lắng, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, vô giá trị, bất lực, mệt mỏi, chán ăn hoặc thèm ăn vô độ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, bồn chồn, ý nghĩ tự sát…Ở thời điểm này, bác sỹ có thể dễ dàng chuẩn đoán bệnh trầm cảm thông qua bảng câu hỏi.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu bệnh trầm cảm thường biểu hiện bằng những triệu chứng toàn thân rất phân tán và không liên quan gì tới thần kinh, chẳng hạn như tức ngực, nhức mỏi tay chân, đau khớp… Những triệu chứng này làm bệnh nhân rất khổ sở, thăm khám nhiều nơi mà không phát hiện bệnh. Chính vì vậy mà một số chuyên gia khuyên rằng, nếu bệnh nhân đã đi khám nhiều chuyên khoa khác nhau không phát hiện bệnh, điều trị không giảm triệu chứng thì nên tầm soát trầm cảm.
Nhận biết rõ hiện diện của trầm cảm qua bài viết: 10 biểu hiện trầm cảm dễ nhận ra
Các phương pháp điều trị trầm cảm
Hầu hết các trường hợp trầm cảm có thể bình thường trở lại nếu được điều trị đúng, và điều trị càng sớm thì có thể tránh được khả năng tái phát cao. Có nhiều phương pháp để điều trị trầm cảm, trong đó phổ biến nhất là điều trị với thuốc và tâm lý trị liệu.
Điều trị với thuốc
Thuốc chống trầm cảm là những dược chất được sử dụng để bình thường hóa các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, norepinephrine và dopamine). Có thể kể tới các nhóm thuốc như:
- SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên Serotonin),
- SNRIs (thuốc ức chế tái hấp thu trên Serotonin và Noradrenaline).
- Tricyclics (thuốc chống trầm cảmba vòng),
- MAOIs (thuốc ức chế enzyme Monoamine oxidase)
Tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều chỉ cho thấy hiệu quả điều trị sau khi được sử dụng ít nhất từ 3-4 tuần. Do đó bệnh nhân cần phải kiên trì và tuân thủ hướng dẫn và người nhà nên giám sát chặt chẽ quá trình uống thuốc.
Trầm cảm là bệnh mạn tính, dễ bị tái phát. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ hàng tháng, hàng năm, thậm chí cả đời. Việc ngừng thuốc cần có sự giảm liều từ từ, nếu ngừng đột ngột có thể gây ra những triệu chứng trầm cảm nặng nề hơn. Vậy nên, thuốc chống trầm cảm cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Liệu pháp thảo dược
Một loại thảo dược có tên gọi St John’s Wort (Hypericum perforatum) cũng được ứng dụng để điều trị trầm cảm mức độ nhẹ hoặc trung bình ở châu Âu. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chưa có khuyến cáo chính thức sử dụng thảo dược này để điều trị trầm cảm. Ngoài ra các chuyên gia cũng cảnh báo rằng St John’s Wort dường như có thể làm ảnh hưởng tới một số loại thuốc điều trị các bệnh như AIDS, bệnh tim, trầm cảm, co giật, ung thư và thuốc tránh thai. Do những nguy cơ tương tác tiềm tàng này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng thảo dược bổ sung.
Tâm lý trị liệu
Có nhiều hình thức trị liệu tâm lý ngắn hạn hoặc dài hạn tùy theo từng trường hợp cụ thể. Trị liệu tâm lý có thể giúp ích cho điều trị trầm cảm nhẹ và vừa. Trường hợp trầm cảm nặng cần kết hợp thêm thuốc điều trị. Sử dụng kết hợp thuốc và tâm lý trị liệu cho hiệu quả điều trị trầm cảm nặng tốt hơn và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Sử dụng Probiotics
Probiotics là một khái niệm khá mới mẻ đối với lĩnh vực tâm thần kinh. Tuy nhiên, đây là một hướng đi có rất nhiều tiềm năng. Trong 10 năm trở lại đây, mối quan tâm của các nhà khoa học về mối liên quan giữa khuẩn chí đường ruột và trục não ruột ngày càng sâu sắc. Người ta nhận thấy, các vi sinh vật trong đường ruột có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực lên trục não ruột, qua đó gián tiếp ảnh hưởng lên chức năng thần kinh trung ương. Một số nghiên cứu cho thấy probiotics có khả năng ngăn ngừa và làm giảm các rối loạn tâm thần kinh.
>>Xem thêm: “Tự test trầm cảm”.
Nguồn: Psychologytoday.com
Tư vấn trực tuyến