Rối loạn trầm cảm và những điều cần biết

    Rối loạn trầm cảm không chỉ làm cảm xúc buồn hay cảm giác mất mát. Thật ra, đó là một bệnh lý – tương tự như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp… Nó là một rối loạn về mặt cảm xúc, ảnh hưởng đến toàn bộ suy nghĩ, cảm nhận, hành vi và đến cả sức khỏe của bạn.

    Rối loạn trầm cảm và những điều cần biết

    Áp lực công việc học tập là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm

    Nguyên nhân rối loạn trầm cảm

    Áp lực công việc, cuộc sống,… có thế là yếu tố thuận lợi khởi phát trầm cảm hoặc làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm. Ngoài ra cũng có nhiều yếu tố khác có thể là yếu tố thuận lợi gây rối loạn trầm cảm như:

    • Yếu tố di truyền trong gia đình (trong gia đình có người bị rối loạn trầm cảm hoặc mắc các bệnh về thần kinh)
    • Gặp phải các biến cố lớn trong cuộc sống (như mắt người thân, vỡ nợ, mất việc,…).
    • Mắc rối loạn trầm cảm thứ phát, do mắc phải những căn bệnh khác (như tim mạch, đái tháo đường,. . .) làm ảnh hưởng đến tâm lý nên khiến người bệnh để bị rối loạn trầm cảm.
    • Một số loại thuốc cũng có tác dụng phụ, có khả năng gây rối loạn trầm cảm.
    • Nghiện rượu hoặc nghiện chất kích thích (như nghiện thuốc là, nghiện ma túy, heroin,…).
    • Do các chấn động tâm lý khác.

    >> Hiểu rõ về trầm cảm với bài viết: Thế nào là trầm cảm? bạn đã hiểu về trầm cảm?

    Tôi Có Bị Rối Loạn Trầm Cảm Hay Không?

    Tôi Có Bị Rối Loạn Trầm Cảm Hay Không? 1

    Những người bị rối loạn trầm cảm thường có biểu hiện một số triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng này diễn ra hầu như thường xuyên, trong mỗi ngày và đã kéo dài ít nhất 2 tuần. Để xác định một người bị bệnh rối loạn trầm cảm, bác sĩ thường căn cứ vào việc liệu người đi khám bệnh có một trong hai triệu chứng sau hay không:

    • Cảm giác trầm, buồn bã, hay khóc.
    • Mất hứng thú với những việc trước đây từng rất thích.

    Thêm vào đó, bạn phải có ít nhất 3 – 4 triệu chứng trong các triệu chứng sau:

    • Không thể tập trung vào công việc.
    • Cảm thấy mình là người thất bại, cảm thấy giá trị của mình thấp kém, thấy mặc cảm, vô dụng.
    • Nghĩ đến việc tự tử hoặc đã từng lên kế hoạch tự tử.
    • Rối loạn giấc ngủ, thường là khó đi vào giấc ngủ, hoặc thức giấc giữa đêm và không ngủ lại được.
    • Cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn, cũng có thể ăn quá nhiều.
    • Cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng.
    • Chậm chạp hoặc kích động trong tâm thần vận động.

    Ngoài ra, trầm cảm còn có thể kèm với các biểu hiện sau:

    • Đau đầu.
    • Cảm giác đau nhức khắp cơ thể.
    • Đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa,…
    • Giảm ham muốn tình dục.
    • Lo lắng hoặc sợ hãi.

    >> Thực hiện bài test sau để đánh giá mức độ trầm cảm của bản thân: Test trầm cảm với PHQ9

    Rối loạn trầm cảm, tôi cảm thấy xấu hổ

    Rối loạn trầm cảm không hề là biểu hiện của sự yếu đuối. Đây là một bệnh lý cần được điều trị, là một bệnh lý thường gặp. Nếu được điều trị đúng và kịp thời, người bệnh sẽ khỏi.

    Nếu Rối Loạn Trầm Cảm, Tôi Phải Làm Gì?

    Trong xã hội Việt Nam hiện nay, rất nhiều người bị rối loạn trầm cảm nhưng không được phát hiện và điều trị đúng.

    Phần lớn là vì người bệnh không biết rằng mình đã bị rối loạn trầm cầm, một phần khác là do không ý thức được rằng rối loạn trầm cảm là một bệnh lý cần được điều trị. Bên cạnh đó, một số người cảm thấy khó nói và xấu hổ khi phải đi khám sức khỏe tâm thần, và không biết rằng rối loạn trầm cảm có thể điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Nếu bạn nhận thấy mình đang có các triệu chứng rối loạn trầm cảm, bạn có thể đến gặp một bác sĩ Nội khoa. Ở đây, bác sĩ sẽ kiểm tra xem nguyên nhân gây nên những văn đề của bạn là do rối loạn trầm cảm hay do một bệnh lý khác. Nếu do rối loạn trầm cảm, bác sĩ có thể điều trị cho bạn hoặc chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh đó, một triệu chứng thường gặp trong rối loạn trầm cảm là suy nghĩ về cái chết, về việc tự sát hoặc các kế hoạch, hành vi tự sát. Vì vậy, nếu có những suy nghĩ như vậy, bạn hãy nói ngay với một người bạn tin tưởng, và nhờ người đó đưạ bạn đi khám chuyên khoa ngay – đừng chậm trễ. Khi bệnh rối loạn trầm cảm thuyên giảm, các suy nghĩ đó cũng sẽ biến mất.

    Điều trị rối loạn trầm cảm

    Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh rối loạn trầm cảm. Mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định.

    Với mỗi bệnh nhân, bác sĩ lựa chọn và phối hợp các phương pháp điều trị khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy mô tả chi tiết, rõ ràng các triệu chứng của mình để bác sĩ có thể lựa chọn hướng điều trị thích hợp nhất. Cũng như những bệnh lý khác, có thể bác sĩ sẽ phải thay đổi và áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho đến khi tìm được phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn đừng nản lòng nếu phương pháp ban đầu chưa có hiệu quả; thay vào đó hãy cứ trình bày, chia sẻ mọi băn khoăn, thắc mắc của mình với bác sĩ điều trị. Và luôn nhớ rằng trong hầu hết trường hợp, sẽ luôn có một phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Các phương pháp điều trị chính thường được áp dụng nhất là:

    Ngoài ra, có thể có các phương pháp điều trị khác như liệu pháp ánh sáng, shock điện,… nhưng chỉ được áp dụng khi được đích thân bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định.

    Điều trị rối loạn trầm cảm 1

    Một số trường hợp, bạn được cho điều trị với bác sĩ Nội khoa nhưng sau một thời gian thì được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, có thể do nhiều nguyên nhân sau:

    • Các hướng điều trị mà bác sĩ Nội Khoa lựa chọn không có tác dụng với bạn, cần có các hướng điều trị khác và điều này cần đến kiến thức, kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa.
    • Bạn cần được phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, và chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có đủ kiến thức và kinh nghiệm để vạch ra lộ trình phối hợp.
    • Bạn cần một liệu pháp điều trị đặc biệt mà bác sĩ Nội khoa không có đủ kinh nghiệm để hướng dẫn.
    • Tình trạng rối loạn trầm cảm của bạn khá nặng hoặc đã diễn tiến khá lâu.
    • Bên cạnh đó, với việc chuyển đến khám tại bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể chia sẻ được nhiều với bác sĩ điều trị.

    Khi bị trầm cảm bạn có thể cảm thấy bị cắt đứt mọi mối quan hệ, bị quên lãng, bị bỏ rơi, lạc lõng. Bạn có thể cảm thấy trong số bạn bè, người thân, không ai có thể hiểu được mình.

    Bạn cảm thế y như mình đang bước đi trong bóng tối vô vọng, trên con đường mờ mịt và không có một ai bên cạnh.

    Đừng im lặng! Hãy nói ra suy nghĩ, cảm giác này với bạn bè, người thân và nhất là với bác sĩ điều trị của mình. Cảm xúc sẽ nhẹ đi nếu được ngôn ngữ hóa. Đôi lúc, khi chia sẽ với bác sĩ, một người không có liên hệ thân thiết, ruột thịt với bạn sẽ làm bạn thấy an tâm để chịu hơn.

    TS.BS. Ngô Tích Linh

    Trưởng bộ môn Tâm thần Đại Học Y Dược TP. HCM

    Trích sách: Lo âu & Trầm cảm – Những điều cần biết

    huynguyen - 18 Tháng Mười Hai, 2018
    X

    Cảm ơn bạn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn trong thời gian sớm nhất.

    Bạn vui lòng kiểm tra hòm thư để nhận câu trả lời

    Tư vấn trực tuyến

    Vui lòng đặt câu hỏi, các chuyên gia sẽ tư vấn sớm nhất cho bạn!