Đọc câu chuyện về một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, ôm con nhảy cầu tự tử mà cứ bị ám ảnh mãi. Xót xa khi nhìn những dòng chia sẻ của bạn bè, người thân về việc đôi bạn trẻ ấy đã từng là thần tượng trong mắt nhiều người về tài năng, về ý chí phấn đấu vươn lên. Họ từng có một tình yêu rất đẹp và cuộc sống yên ấm khi về chung một mái nhà…Thế mà, kết cục lại phải chia lìa đôi ngả âm – dương, để lại nỗi đau không cách gì nguôi được. Người mẹ xấu số sinh năm 1993 và đứa bé kháu khỉnh chỉ vừa tròn 7 tháng.
Nhiều người mắng nhiếc thậm tệ người mẹ trẻ, họ chì chiết, đay nghiến, thản nhiên buông những lời cay độc, thậm chí còn phóng tác, dựng chuyện dù chẳng phải người thân, người quen gì với gia đình nạn nhân. Vì không ai trong số họ từng mang nặng đẻ đau một hình hài nên họ cho rằng mình có quyền phán xét. Buồn là trong đó, có rất nhiều gã đàn ông sắp sửa làm chồng, hoặc đã làm bố đến nơi. Vì xã hội vẫn còn chỉ trích, đổ lỗi hoàn toàn cho nạn nhân, vì những người xung quanh vẫn còn thờ ơ, hững hờ với những biểu hiện cực kỳ dễ thấy của một người mẹ trầm cảm sau sinh nên mới ngày càng có nhiều câu chuyện đau lòng như vậy. Không ví dụ xa xôi, bạn tin không, chính người mẹ đang ngồi gõ những dòng này, cách đây hơn 6 năm, tay đã từng vịn vào lan can tầng thứ 11 của ban công nhà mình, trong đầu chỉ có một ý nghĩ là cắm đầu mà nhảy xuống. Giữa những ngày chăm con trong nỗi đơn côi và giữa lúc chống chọi với nỗi đau tột cùng chẳng thể nói cùng ai được. Khi ấy, chẳng thiết gì, chỉ muốn chết. Mình có lẽ đã may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác, khi ý nghĩ về con, về cuộc sống cô quạnh của con khi không có mẹ – đã đủ mạnh để níu mình ở lại, tiếp tục chiến đấu với cuộc đời chứ không hèn nhát trốn chạy. Bước từ ban công vào nhà, nhìn con nằm đó, bé bỏng, non nớt, mắt nhắm nghiền say ngủ, ngây thơ chẳng biết mẹ nó vừa trải qua điều gì, thì một người mẹ sao có thể nỡ rời xa…
Chúng ta ko thể cắt nghĩa, cũng đừng cố giải thích lý do gì một người mẹ bị trầm cảm nặng, quyết định ôm con tự vẫn. Có lẽ khi ấy, chẳng thể nghĩ nổi điều gì thông suốt, chỉ là thấy bế tắc, cùng đường, bất lực, cô đơn, là thấy bị bỏ rơi, bỏ lại một mình, chẳng còn lối thoát nào – ngoài cái chết. Hơn 40% bà mẹ gặp triệu chứng trầm cảm sau sinh đều có xu hướng muốn tự kết liễu đời mình. Họ không muốn người thân như bố mẹ, chồng, con khổ, muốn kéo người thân đi cùng nên sẽ chọn cách tự tử cùng con hoặc sát hại người thân trước rồi mới tự sát. Các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai từng điều trị cho một bà mẹ tại Hà Nội bị trầm cảm sau sinh rất nặng, thường xuyên có ý định tự tử cùng con. Khi không ai để ý, người mẹ lấy dây điện quấn quanh người 2 mẹ con rồi cắm điện tự tử. Gia đình phát hiện ngay sau đó nhưng đứa trẻ 3 tháng đã tử vong, người mẹ được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, sống sót, sau đó điều trị trầm cảm tại Viện Sức khoẻ tâm thần nhiều tháng ròng. Bệnh có thể được chữa khỏi nhưng nỗi đau mất con, nỗi ám ảnh dằn vặt vì chính tay mình sát hại sinh linh bé bỏng có lẽ sẽ đeo bám người mẹ ấy mỗi phút còn sống trên đời.
Đến giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào chỉ dẫn nguyên nhân cụ thể của căn bệnh trầm cảm sau sinh. Nhưng bạn cứ tưởng tượng mà xem. Trải qua ca vượt cạn đau đớn kiệt quệ thế, khi vết rạch, vết khâu dài vẫn còn tứa máu, có người mẹ nào được nghỉ ngơi quá một ngày? Họ lao vào cuộc chăm con với tất cả sinh lực mình có, với niềm hạnh phúc tràn trề của người lần đầu làm mẹ. Nhưng họ chỉ có thể sung sức trong những ngày đầu tiên thôi. Con khóc, con quấy, con không bú sữa, không chịu hợp tác, chưa kể con ốm bệnh hàng tuần, hàng tháng triền miên. Ai chăm nào? Ngoài mẹ. Có những người phụ nữ đã gần như không ngủ, thậm chí bỏ bữa để chăm con. Họ gắng gượng làm tất cả vì con cho đến khi kiệt sức, không chỉ ở thể trạng mà còn kiệt quệ về tinh thần. Nếu có người thân, gia đình, đặc biệt là người chồng bên cạnh quan tâm, chăm sóc, đồng hành, sẻ chia thì còn đỡ. Nếu phải một mình gồng lên tất cả thì sức nào chịu thấu. Chưa kể, vất vả là thế, mệt nhọc là thế mà vẫn phải nghe những lời bấc tiếng chì vào ra, thậm chí cả sự lên mặt nạt nộ của những người cùng chung sống. Chưa kể phải chứng kiến những hành động vô tâm đến thớ lợ của những gã chồng đang tập-làm-đàn-ông. Bạn tưởng tượng tiếp xem, một người phụ nữ sinh con còn đỏ hỏn trong tay, ngày đêm một mình còm cõi chăm con, cho chồng yên tâm đi làm, không bị gián đoạn công việc, thế rồi một ngày biết được rõ mười mươi sự thực là chẳng có công to việc nhớn gì bận rộn đến thế, chẳng qua anh chồng đã có nhân tình bên ngoài. Nghĩa là khi người mẹ vò võ ôm con, khi những đớn đau trên thân thể vẫn chưa lành thì bố đứa trẻ đã mải mê với những cuộc vui bên một người đàn bà mới. Bạn thử đặt mình vào vị trí người mẹ bất hạnh đó đi. Nếu sau đó họ có nghĩ quẩn làm gì thì với mình, cũng đều là đáng thương hơn đáng trách…
Bất kỳ phụ nữ nào sau khi vượt cạn sinh con đều có thể bị trầm cảm, tuỳ mức độ nặng nhẹ, tuỳ hoàn cảnh xung quanh quyết định trạng thái đó có tiến triển thành bệnh hay không. Với những biểu hiện bên ngoài rõ ràng, chỉ cần người chồng và những người cùng chung sống trong gia đình chịu khó quan sát là biết ngay vợ mình, con/em mình đang trải qua giai đoạn nào (có 3 giai đoạn chính mesumo sẽ đề cập ở phần sau). Nhưng, nhiều người vẫn còn quá thờ ơ với những biểu hiện đó, thậm chí còn mặc định việc phụ nữ sau sinh dễ khóc, dễ cười, dễ nổi cáu hay lú lẫn là điều đương nhiên, có gì mà phải ngợi. Đừng so sánh phụ nữ thời xưa với thời nay, văn minh tiến bộ nhân loại đã đi xa bao nhiêu dặm dài để bây giờ bạn vẫn ngồi so những con người sống trong những thời đại hoàn toàn khác nhau? Chưa kể một số người còn dớ dẩn, ấu trĩ cho rằng hội chứng này là một dạng tự vơ vào, huyễn hoặc, chứ không hề có thật (???).
Ừ, nhưng mấy cái chết oan uổng kia là thật cả đấy.
Khi một sinh linh chào đời, người ta thường chỉ quan tâm nhiều đến đứa trẻ, cưng nựng, âu yếm, chiều chuộng hết sức mà quên mất người đã 9 tháng 10 ngày mang nặng, rồi trải qua cuộc vượt cạn đau đớn cho hình hài ấy vẹn nguyên đến với cuộc đời. Nếu bạn là đàn ông, bạn vừa có được diễm phúc làm bố, hãy thật trân trọng người phụ nữ bên cạnh bạn, hãy yêu thương nhiều hơn và nhiều hơn nữa, hãy quan tâm, sẻ chia bằng hết con tim mình. Khi ấy đừng rạch ròi phân định đàn ông làm việc đại sự, đàn bà cứt đái bỉm sữa, mà việc gì làm được – hãy tự giác, tự nguyện, chủ động và hăng hái làm, cho vợ mình được nghỉ ngơi phút nào hay phút ấy. Mỗi ngày chỉ cần nghe những hỏi han ân cần “em ổn không? em thấy trong người thế nào? anh giúp em việc này nhé” cùng những hành động quan tâm tận tình, ấm áp thì cơn trầm cảm có lạnh lùng đến mấy cũng phải tan chảy theo thời gian thôi. Phụ nữ sau sinh đã xấu xí lại thêm cả khó chiều, một việc nhỏ nhặt cũng khiến họ cáu bẳn, giận giữ, lải nhải mãi không thôi. Đúng là thế thật. Nhưng, họ đã mang đến cho bạn một thiên thần xinh xắn, lật giở đời bạn sang một trang mới tinh, trao cho bạn cái quyền làm bố thiêng liêng, mang đến cho cả đại gia đình niềm vui không gì sánh được, thì mấy biểu hiện nhỏ nhặt kia có đáng gì đâu? Hãy cứ cười xoà, hãy cứ xin lỗi kể cả khi bạn không hề có lỗi nếu người phụ nữ mới sinh bên bạn càu nhàu… Chẳng thiệt gì cũng chẳng mất mát cái nào cả hai chữ đàn ông danh giá đâu. Thật! Phụ nữ sau sinh có thể lú lẫn mà quên đi nhiều thứ nhưng họ sẽ ghi lòng tạc dạ từng khoảnh khắc đau đớn, khó khăn trong cuộc đời mà người chồng vẫn ở bên cạnh, tay nắm chặt tay để sau này bù đắp cho bạn đấy. Những lời không hay, những hành động vô tâm của người ngoài thì có thể nín, có thể nhịn, có thể “sao cũng được”, nhưng nếu điều ấy đến từ người đầu gối tay ấp – trong những tháng ngày rất cần có nhau thì quả thực là thất vọng nhiều lắm, đàn ông à. Thất vọng chất chồng sẽ thành tuyệt vọng. Khi ấy, một đứa trẻ ra đời ngỡ là mở ra tương lai rạng ngời nhưng thực tế, lại khiến tất cả đóng sầm sau cánh cửa bế tắc.
Chuyện nhà người, mình không tỏ tường, không dám phán xét nhưng đọc những câu chuyện mình biết, từ những tình tiết được kể lại, phần lớn các trường hợp trầm cảm sau sinh tránh được tình huống xấu nhất, sản phụ đều đang ở nhà bố mẹ đẻ, được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Triệu chứng này cũng ít gặp ở những bà mẹ đơn thân, quyết định chủ động một mình sinh con… Mình chỉ nói vậy thôi, còn lại tuỳ người đọc nghĩ.
Các bạn gái cũng hãy cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định làm mẹ. Hãy sinh con khi và chỉ khi đã đủ trưởng thành, chín chắn, khi đã nhận thức rõ ràng về những mối quan hệ xung quanh, khi đã hiểu tường tận về trách nhiệm phải gánh vác, khi đã tôi rèn cho mình bản lĩnh để sẵn sàng đón nhận giông gió cuộc đời. Làm mẹ hạnh phúc lắm, nhưng đó chỉ là đích đến sau khi đã can đảm vượt qua muôn vàn khó khăn. Hãy trang bị cho mình một vốn sống thật đầy đặn, những sở thích thật phong phú để khi buồn thì có thứ mà vịn vào. Hãy sống tốt để có nhiều bạn tốt. Bạn tốt nhất định sẽ không bỏ rơi khi ta gặp hoạn nạn, khó khăn. Hãy tập chia sẻ nhiều hơn với gia đình, đừng như mình, chỉ tâm sự những lúc vui còn nỗi buồn thì giấu kín. Chồng thực ra cũng chỉ là người đàn ông xa lạ mình yêu rồi quyết định sống chung chứ máu mủ ruột rà như bố mẹ, anh chị em mới là không gì chia cắt được. Nếu buồn, nếu không hạnh phúc, hãy trở về nhà, trở về bên vòng tay của bố mẹ, rồi ngẩng thật cao đầu mà nuôi con khôn lớn. Mỗi người sẽ hạnh phúc theo cách mình chọn, đừng cố hạnh phúc theo cách số đông chọn cho mình.
Và các ông bố, bà mẹ ạ, khi cô con gái bất hạnh chẳng may một ngày ôm đứa bé thất thểu trở về từ cuộc hôn nhân thất bại thì xin hãy rộng cửa đón vào, đừng sợ dèm pha, đừng sợ mất danh dự. Bỏ con, bỏ cháu, thậm chí đuổi máu mủ ruột rà ra đi khi ấy mới thực là hành động đáng hổ thẹn. Vỗ về con cháu xong, hôm sau hãy nghĩ tới chuyện tính sổ thằng con rể … zỏm đã từng thề thốt hứa hẹn trăm năm, lúc đưa con mình đi thì kéo cả đoàn người ồn ã, đến khi về thì bỏ mặc con mình lủi thủi lạnh giá trong đêm.
Những thằng đàn ông như thế – thực ra là vứt được rồi, chẳng phải tiếc gì đâu, các mẹ ạ.
———
Khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, mọi diễn biến cảm xúc đều được đẩy lên ở mức độ cao hơn bình thường. Nổi lên là cảm giác bất an thường trực và nỗi sợ bị bỏ lại một mình. Có khi đang ngồi bình thường đó mà nước mắt cứ tứa ra lã chã. Hầu hết các sự việc đều bị họ nhìn nhận theo xu hướng tiêu cực. Các nhà tâm thần học đã chỉ rõ trầm cảm sau sinh trải qua các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng hoặc có thể tiến triển nhanh đến mức độ rất nặng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện của sản phụ. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc và ủ rũ (hội chứng Baby blues), trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression) và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis). Dưới đây là những thông tin khoa học về các giai đoạn trầm cảm sau sinh được mesumo tổng hợp từ Tạp chí Sức khoẻ và đời sống. Thiết tha mong mọi người, nhất là những anh chồng, những ông bố trẻ kiên nhẫn đọc hết và nhớ kỹ để giúp đỡ, bảo vệ người mẹ của con mình.
Mục lục bài viết
❌Trạng thái ủ rũ, khóc lóc (baby blues)
Đây là trạng thái mà mẹ nào cũng từng trải qua. Nếu nó kéo dài đến hơn hai tuần thì hội chứng baby blues lúc này có thể đã chuyển sang hội chứng trầm cảm sau sinh. Trạng thái này chưa gọi là bệnh và không cần điều trị, chỉ cần sản phụ được nghỉ ngơi; nhận được sự hỗ trợ, quan tâm đủ đầy từ phía gia đình và bạn bè, nếu được kết nối với các bà mẹ khác thì càng tốt.
❌Hội chứng trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression)
Hội chứng trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 10% ở các bà mẹ mới sinh, hội chứng này có xu hướng phát triển sau 3 tuần và lâu hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc (Mood Disorders) thể hiện rõ nét và kéo dài nhất.
Các triệu chứng thường gặp là hay khóc, sự thiếu tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, cảm giác thiếu tự tin, buồn chán và xuất hiện ý nghĩ tự tử. Ngoài ra, còn có các triệu chứng tương tự như trong bệnh suy chức năng tuyến giáp, bao gồm: nhạy cảm với không khí lạnh, suy nghĩ chậm chạp, mệt mỏi, da khô, táo bón…
Những sản phụ có các triệu chứng của hội chứng trầm cảm sau sinh thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm. Nếu kiên trì và điều trị hợp lý, hội chứng trầm cảm sau sinh thường khỏi trong vòng 6 tháng. Một số trường hợp nếu không tuân thủ quy tắc điều trị của bác sĩ, bệnh sẽ tái phát và diễn biến bệnh sẽ kéo dài hơn và trở thành hội chứng loạn thần sau sinh (Postpartum Psychosis).
❌Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis)
Hội chứng này đôi khi còn được gọi là loạn thần sản khoa hoặc là trầm cảm loạn tâm thần sau sinh, thường gặp 1-2 trường hợp trên 1.000 phụ nữ.
Hội chứng này dễ gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Hầu hết các trường hợp sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo. Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh có thể xuất hiện sớm với các dấu hiệu như kích động, lú lẫn và có vấn đề về trí nhớ, hay cáu kỉnh, mất ngủ và lo lắng. Các triệu chứng muộn hơn của hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi bất thường và xa lánh mọi người, đặc biệt là không quan tâm hoặc gây tổn thương cho chính bản thân và đứa trẻ.
Với những người có hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh: đòi hỏi bắt buộc phải được đưa đến các bệnh viện tâm thần hoặc các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị nội trú. Những bệnh nhân này sẽ được điều trị phối hợp các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và các thuốc chỉnh khí sắc. Những bệnh nhân có hội chứng loạn tâm thần sau sinh nếu không đáp ứng với thuốc thì liệu pháp shock điện (Electroconvulsive therapy) sẽ được áp dụng nhằm kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh.
Nguồn Facebook: BTV Nguyễn Diệp Chi
Tư vấn trực tuyến